Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Bản thân các tôn giáo, ngoài hệ thống giáo lý, giáo luật
và các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, còn là một thành tố xã hội, văn
hoá, đạo đức mang tính cộng đồng.
Tham gia các phong trào thi đua yêu nước
Trong thời gian qua, nhiều tôn giáo ở Việt
Nam đã tích cực tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân tôn giáo, mở rộng
tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước; là một trong những lực
lượng tham gia giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như: Bảo vệ
môi trường, chống chiến tranh, bá quyền, bạo lực, nghèo đói, thảm hoạ
thiên tai, các căn bệnh thế kỷ...; là nhân tố tạo ra hệ giá trị xã hội,
góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc trong quá trình giao
lưu, hội nhập phát triển và toàn cầu hoá; là lực lượng xã hội ngày càng
có đóng góp tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội và phát triển
cộng đồng.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong
những năm qua, MTTQ Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua
yêu nước, các cuộc vận động; sống “Tốt đời đẹp đạo” và tích cực tham
gia phát triển cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tôn giáo còn
triển khai các phong trào thi đua yêu nước mang đặc điểm riêng như phong
trào xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa cảnh văn hoá” trong Phật
giáo, phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương
mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân
cư, sống tốt đời đẹp đạo” trong Công giáo; phong trào “Nồi cháo tình
thương” giúp đỡ bệnh nhân nghèo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...
Từ năm 2004, hàng năm Hội đồng Trị sự
GHPGVN đều phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa hoạt động phòng,
chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động Phật sự. Năm 2012, Hội đồng
Trị sự GHPGVN đã ban hành Thông tư số: 065/TT-HĐTS hướng dẫn Ban Trị sự
Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia phối hợp với Ủy ban
MTTQ các tỉnh, thành phố triển khai, nhân rộng mô hình “Sáng kiến lãnh
đạo Phật giáo” tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm
2014, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều ban hành các thông điệp, công
văn... kêu gọi chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo mình có hành động
thiết thực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam thân
yêu.
Xã hội hóa giáo dục
Trong những năm qua các tôn giáo đã tích
cực tham gia phát triển giáo dục mầm non và đạt được kết quả tốt. Tính
đến tháng 10 năm 2014, đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm
non tư thục do cá nhân tôn giáo thành lập (trong đó 26 tỉnh, thành phố
có quy mô trường). Cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non
độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 1,9% so với tổng số
trường mầm non công lập và ngoài công lập và chiếm 15,6% so với số
trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc.
Trong công tác xã hội hóa hoạt động y tế,
tính đến nay các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám
chữa bệnh, trong đó có 143 cơ sở khám bệnh đông y hoặc đông tây y kết
hợp; 42 cơ sở tây y (33 tủ thuốc, 09 nhà thuốc) và 01 trạm xã. Trong 3
năm từ 2011 đến 2014, tổng số lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc
sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo là
1.432.517 lượt.
Phát triển các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề
Tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã
hội. Đến nay trên cả nước có 402 cơ sở bảo trợ xã hội trong đó có 233 cơ
sở ngoài công lập (đa số của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo), thực
hiện việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 41.000 đối tượng, trong đó có
11.365 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.
Nhìn chung các cơ sở bảo trợ xã hội của
các tôn giáo thành lập nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn, cơ bản đáp ứng được các quy định của pháp luật về kỹ
năng chăm sóc, chế độ nuôi dưỡng, hạ tầng cơ sở… nhờ đó giảm nhẹ được
gánh nặng, giảm sự quá tải của các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà
nước.
Hiện nay một số tôn giáo ở Việt Nam đã
tích cực tham gia xã hội hóa hoạt động dạy nghề, tiêu biểu như: Giáo hội
Công giáo Việt Nam đã mở một số trường trung cấp nghề hoặc trung tâm
dạy nghề. Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) đã thành lậpTrường
Trung cấp nghề Hòa Bình. Trường tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2012 với 8
ngành nghề bậc Trung cấp với 250 học viên. Khóa II (năm 2013) nâng lên
10 ngành nghề với 250 học viên; năm 2014 nhà Trường xét tuyển được 600
học viên, trong đó có trên 90% học viên là người Công giáo.
Trong lĩnh vực này còn có Trung tâm Dạy
nghề tư thục Lasan Đà Lạt (trực thuộc Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam); Trung
tâm dạy nghề tư thục Vinh Sơn Đà Lạt (trực thuộc Dòng Vinh Sơn Việt Nam)
và một số trung tâm dạy nghề khác của Dòng Don Bosco ở các địa phương
khác…
Một số kết quả tiêu biểu của đồng bào các
tôn giáo ở trên chính là sự thể hiện tinh thần chung của các tổ chức
giáo hội tôn giáo đã đề ra như: “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục
vụ hạnh phúc của đồng bào” của Giáo hội Công giáo Việt Nam; “Đạo pháp –
Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; “Nước vinh
đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên Chúa, Phục vụ
Tổ quốc và Dân tộc” của đạo Tin Lành hay “Tốt đời đẹp đạo” của các tôn
giáo…
Sống “Tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân
tộc là truyền thống, là mục tiêu chung của các tôn giáo ở Việt Nam và
đây cũng là cơ sở hoà nhập, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa
đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn
giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày
càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Nguồn: daidoanket.vn/ Nguyễn Văn Thanh, ngày 4/9/2015