Trong hai ngày 8-9/10, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – chia sẻ kinh nghiệm giữa châu Âu và Việt Nam”.
|
Cố vấn Chính trị của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Juan Zaratiegui phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Juan Zaratiegui, Cố vấn chính trị của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương, các chức sắc đại diện cho các tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Baha’i, Cao đài,…,các diễn giả trong và ngoài nước.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Nguyễn Thanh Xuân, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Thông qua Hội thảo, Việt Nam muốn thể hiện thiện chí trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam và EU trong khuôn khổ hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện EU- Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực tôn giáo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ hiện nay Việt Nam có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo được công nhận, trong đó có gần 25 triệu tín đồ của các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số) và có khoảng trên 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt Nam ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Quy định này tại Hiến pháp đang được cụ thể hóa trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và đã được đưa vào dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Chia sẻ với Hội thảo, ông Juan Zaratiegui, Cố vấn Chính trị của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh EU tự hào có sự đa dạng của các mô hình tôn giáo và quyền tự do tư tưởng, tôn giáo hay tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người. EU xác định việc bảo vệ quyền cơ bản này là một phần không thể thiếu trong chính sách của mình. Theo quan điểm của EU, dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo dựa trên Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo 2004 của Việt Nam là một cơ hội lớn để tăng cường khung pháp lý đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo chuẩn mực quốc tế và EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Hội thảo tập trung thảo luận về thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, tình hình xây dựng và triển khai khuôn khổ pháp lý về tín ngưỡng, tôn giáo và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy con người trong lĩnh vực tôn giáo. Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề tôn giáo và mô hình thế tục ở châu Âu (hệ thống giáo lý, pháp luật, các tổ chức tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo) cũng như xác định các nỗ lực nhằm bảo vệ tự do và các giá trị tôn giáo tại các nước thành viên EU trong đó chú trọng tới sự bình đẳng và khoan dung giữa các tôn giáo khác nhau ở châu Âu.
Nguồn: tbgcp.gov.vn, 10/10/2015