Trong tổng số 756 mô hình dân vận khéo do Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên
phát động giai đoạn 2011 – 2015, mô hình: Vận động nhân dân thực hiện
phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của khối dân vận xã Núa
Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được đề nghị Ban Dân vận Trung ương xét tặng bằng
khen. Đây là một trong những phong trào điển hình về sự gắn kết tình cảm
giữa người dân với nhau và giữa các dân tộc trên địa bàn, thể hiện rõ
chủ trương đúng đắn của chính quyền xã.
Qua câu chuyện với ông Nguyễn Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam được
biết, để đạt kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lâu
dài và quan trọng nhất phải được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đóa thì từ năm 2011 đến nay phong trào văn hóa, văn
nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn xã phát triển mạnh. Thông qua các
hoạt động văn hóa, văn nghệ người dân có thể trao đổi tâm tư tình cảm,
xích lại gần nhau hơn. Giao lưu văn hóa văn nghệ cũng là nét đẹp trong
đời sống thể hiện được trách nhiệm đối với cộng đồng, tình làng nghĩa
xóm tương thân tương ái, cùng nhau chia sẻ giúp nhau khi gặp khó khăn,
hoạn nạn, xây dựng cuộc sống mới phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói
giảm nghèo. Từ đó, cán bộ làm công tác dân vận xã tăng cường vận động,
tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn
nghệ. Chính vì vậy mà từ một xã có phong trào văn hóa văn nghệ ở mức
trung bình đến nay 12/12 thôn, bản ở Núa Ngam đã có đội văn nghệ riêng,
hàng chục câu lạc bộ cầu lông, 2 đội bóng đá, 1 câu lạc bộ bóng
chuyền... với hàng trăm người tham gia. Điển hình là đội văn nghệ bản Na
Sang 1 và Na Sang 2.
|
Một tiết mục trong lễ cầu mưa của dân tộc Lào, xã Núa Ngam. |
Chị Lường Thị May, đội trưởng đội văn nghệ bản Na Sang 1 cho biết:
Dù không có chế độ trợ cấp gì nhưng năm 2011 bản đã thành lập được đội
văn nghệ, thường xuyên tổ chức múa, hát giao lưu với các bản trong xã,
qua đó tạo điều kiện cho bà con nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Thời gian đầu đội chỉ có 5 người tham gia, đến nay đã lên đến 32 người.
Còn với chị Lò Thị Toản, thành viên đội văn nghệ bản Na Sang 2 phấn khởi
cho biết: “Dù điều kiện kinh tế gia đình nhiều hộ trong bản còn khó
khăn, song đời sống tinh thần của bà con thì nhất định phải “giàu”.
Những ngày lễ, tết đội văn nghệ bản mình đều tham gia công diễn phục vụ
bà con”.
Được biết, hàng năm nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất
nước, địa phương, xã Núa Ngam đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn
nghệ, thể dục thể thao rèn luyện thân thể theo gương Chủ tịch Hồ Chí
Minh, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và đã nhiều lần đoạt giải ở
các cuộc thi. Đặc biệt năm 2014, với vai trò là cụm trưởng của 6 xã khu
vực phía Nam huyện Điện Biên, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện
Biên Phủ và lễ hội Thành Bản Phủ, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ
chức thành lập đội văn nghệ, quy tụ các hạt nhân văn nghệ, tổ chức tập
luyện đi công diễn, giao lưu phục vụ đồng bào các dân tộc thuộc 6 xã.
Vừa qua, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể
thao chào mừng thành công Đại hội các chi bộ thuộc Đảng bộ xã và mừng
Đảng, mừng xuân. Xã cũng thành lập đoàn vận động viên, đội văn nghệ
luyện tập tham gia hội thi văn nghệ quần chúng cụm 2, huyện Điện Biên
lần thứ 4 tại xã Thanh Chăn và đoạt giải nhì toàn đoàn. Mới đây, xã phối
hợp với Phòng Văn hóa Thông tin thể thao và Du lịch huyện quy tụ một số
nghệ nhân tham gia phục dựng Lễ hội Cầu mưa của đồng bào dân tộc Lào ở
bản Na Sang 1.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đóa: Có được thành tích đó là xuất
phát từ nhu cầu tinh thần của nhân dân. Bởi nếu người dân không muốn
tham gia thì có ép cũng khó đạt được kết quả. Chính vì vậy, đây là yếu
tố quan trọng để chính quyền xã tạo điều kiện, phát huy khả năng đưa
phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn phát triển
mạnh. Thời gian tới, UBND xã sẽ thành lập thêm các câu lạc bộ, mở rộng
giao lưu văn hóa, văn nghệ theo hình thức giữa bản với các bản, xã với
các xã. Đặc biệt sẽ mở lớp học múa lăm vông cho cán bộ, người dân, bởi
trong số 5 dân tộc sinh sống trên địa bàn thì dân tộc Lào có nhiều nét
văn hóa đặc sắc như điệu múa lăm vông, góp phần giữ gìn, phát huy giá
trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Thông qua các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đồng bào các dân tộc trên địa bàn
thêm gần nhau hơn, yêu thương đùm bọc nhau, góp phần nâng cao chất lượng
đời sống văn hóa tinh thần, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho
người dân./.
Nguồn: dienbientv.vn/ Văn Tâm, ngày 23/6/2015