Thứ Năm, 7/11/2024
Điện Biên: Nổi bật kết quả 5 năm phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2011 - 2015

Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

 
Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh (bên phải ngoài cùng) gặp gỡ các đại biểu làm công tác
“Dân vận khéo” huyện Điện Biên Đông tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ II.
 

Với phương châm: Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác Hồ đó là “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Ban Dân vận Tỉnh uỷ Điện Biên đã sớm triển khai mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh, công tác xây dựng điển hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo. Với tinh thần, hướng về cơ sở để nâng cao nhận thức trong việc đẩy mạnh công tác dân vận trong mỗi địa phương, đơn vị và trong mỗi cán bộ, đảng viên về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, do vậy nhiều nội dung, phương thức hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã được đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Thông qua phong trào “Dân vận khéo”, nhiều mô hình, điển hình đã được đăng ký và phát huy tác dụng tốt, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo ở cơ sở được rút ra và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Ngoài ra, còn phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về ''Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến nay, toàn tỉnh có 756 mô hình “Dân vận khéo” tập thể, cá nhân; trong đó có 158 mô hình về phát triển kinh tế, 154 mô hình văn hóa - xã hội, 144 mô hình về quốc phòng - an ninh và 300 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình đã thể hiện được vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận để thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được nhân rộng và vận dụng sáng tạo như: “Khéo” vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ rừng; “Khéo” vận động nhân dân trong xóa đói giảm nghèo; “Khéo” vận động nhân dân thuộc diện tái định cư Thủy điện Sơn La; “Khéo” vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào tự quản về an ninh trật tự; “Khéo” vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; “Khéo” vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường; Cán bộ, chiến sỹ trong lượng vũ trang “Khéo” vận động nhân dân với phương châm: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiêu biểu 5 năm (2011 - 2015) đó là: Khối dân vận xã Núa Ngam huyện Điện Biên điển hình “Dân vận khéo” với mô hình “Vận động nhân dân thực hiện phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT”; Tập thể Đoàn KT-QP 379, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên với mô hình “Bám sát địa bàn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh”. Về cá nhân điển hình “Dân vận khéo” có ông: Cà Văn Phốm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên về công tác “Tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi”; Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên với mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh hoạt động lập “Vương quốc Mông” được đề nghị Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen.

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần có hiệu quả trong thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; các dự án trọng điểm lớn như: di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Đề án 79 sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé, Chương trình 30a, 135 của Chính phủ... Đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 96/116 xã được phê duyệt quy hoạch đạt 82,76%; có 17/116 xã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới; có 9.797,82ha cây chè, cà phê, Cao su. Năm qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và thông qua phong trào “Dân vận khéo” đã tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực giảm nghèo cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân và đã huy động được gần 2.500 tỷ đồng tạo điều kiện cho trên 14.000 lượt hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo; trên 380 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở; hỗ trợ 24 con bò sinh sản cho 72 hộ nghèo của xã Sa Lông, huyện Mường Chà và thực hiện các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, tiền điện và hỗ trợ pháp lý cho hộ nghèo. Năm 2014, tỉnh cũng tổ chức dạy nghề cho trên 7.800 lao động nông thôn và tạo việc làm mới cho 8.500 lao động. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 35,2% năm 2013 xuống còn 32,5% năm 2014. Riêng 5 huyện nghèo là: Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tủa Chùa và huyện Nậm Pồ tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 50,9% năm 2013 xuống còn 47% năm 2014. Hiệu quả từ Phong trào “Dân vận khéo” đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong tỉnh.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; các hoạt động “Dân vận khéo” đã tập trung tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có 1.721 khu dân cư tổ chức ngày hội “Đoàn kết các dân tộc”, có 1.249/1.721 khu dân cư văn hóa, có 68.424 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 1.062 cơ quan, đơn vị trường học đạt chuẩn văn hóa.

Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự địa phương, đảm bảo an ninh trật tự. Các điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng và thành lập các tổ tự quản, tổ hoà giải, câu lạc bộ phòng chống buôn bán người, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; “Tuổi trẻ giữ nước” đã góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn ANTT, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biên giới quốc gia. Nổi bật trong Phong trào này là các đơn vị: Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp tổ chức được 250 tổ công tác liên, chuyên ngành tăng cường 468/736 cán bộ xuống bản tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp dân 238 ngày công sửa chữa đường giao thông liên bản 4,5km, 1.670 ngày công sửa chữa 12 nhà; phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM" mỗi đơn vị giúp 1 xã; thực hiện Đề án 79 sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé tổ chức được 8 đợt, 491 ngày công, 3 cùng với nhân dân; củng cố 71 chi bộ, 3 đảng bộ, 47 ban công tác mặt trận, 41 chi hội phụ nữ, 41 chi đoàn, 23 chi hội CCB, 35 hội nông dân trên địa bàn 32 xã... quản lý, nắm chắc bảo đảm an ninh, an toàn; giữ vững ổn định tình hình ANTT, TTATXH trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh tăng cường 11.000 lượt cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở, thành lập 9 tổ xuống 12 xã trọng điểm của huyện Mường Nhé; cử cán bộ tham gia tổ công tác liên ngành của tỉnh tuyên truyền thực hiện Đề án 79, vận động được 395 hộ ở 31 điểm bản của 8 xã đăng ký nguyện vọng vào các điểm bản theo quy hoạch tại Mường Nhé; huy động hàng nghìn ngày công giúp dân sản xuất, dựng nhà, vệ sinh thôn bản; tuyên truyền về an toàn giao thông tại 269 cơ quan, đơn vị và trường học với 28.714 lượt người tham gia; tiếp nhận 894 lượt đơn thư khiếu kiện, trực tiếp giải quyết 525 đơn, thư; tiếp 228 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và giải quyết đúng quy định, không để tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người xảy ra,

Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức vận động 4.453 hộ gia đình định canh, định cư; phối hợp tuyên truyền 3.658 buổi/179.168 lượt người góp phần nâng cao hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới; giúp dân 6.397 ngày công lao động sản xuất; làm và sửa 260,6km đường thôn bản, tu sửa 77,2km kênh mương thủy lợi; khai hoang được 61,2ha ruộng nước đưa vào sản xuất; giúp dân sửa chữa và làm nhà mới được 236 căn nhà, giúp 853 hộ gia đình xóa được đói, giảm được nghèo; phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho 32.922 người, trị giá 2.658 triệu đổng góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh.

Trong xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận của chính quyền các cấp được coi trọng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, gắn xây dựng điển hình “Dân vận khéo” với cải cách hành chính; bồi dưỡng phong cách làm việc của công chức, viên chức theo hướng gần dân, sát dân.

Đồng chí Pờ Diệp Sàng, UVBCH, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ khẳng định: “Kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” 5 năm qua đã góp phần tích cực đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Phong trào thực sự đã trở thành điểm nhấn để thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, triển khai các cuộc vận động để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng bộ trong thời gian qua. Tron thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tiếp tục triển khai sâu rộng và có hiệu quả phong trào này, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sắp tới”./.

Nguồn: dienbientv.vn/ Khánh Toàn, ngày 24/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất