Thứ Bảy, 11/1/2025
"Nhịp cầu" gần dân ở Tam Kỳ (Quảng Nam)

Khối phố trưởng tận tâm

Ở phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ), nhiều người biết đến ông Trần Kim Cầu (còn gọi ông Bảy Cầu) năm nay đã hơn 70 tuổi - Trưởng khối phố Bàn Thạch. Bởi ở ông có đức tính hiền lành, giản dị và tận tâm với công việc ở khu dân cư.


 Ông Trần Kim Cầu (người thứ hai bên phải) được tuyên dương khen thưởng trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

Năm 2004, được sự tín nhiệm và nhất trí cao của nhân dân, ông Trần Kim Cầu được bầu làm Trưởng khối phố Bàn Thạch. Từ ngày làm trưởng khối phố đến nay, ông Cầu trở thành cầu nối bắc nhịp cho chính quyền phường đến gần hơn với bà con nhân dân khối phố. Và ngược lại, ông cũng là “cánh tay đắc lực” giúp chính quyền địa phương vận động nhân dân trong khối phố tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông luôn sâu sát gần gũi với người dân trong khối phố, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và chuyển tải trọn vẹn đến đảng ủy, chính quyền địa phương. Ông còn theo dõi xem kiến nghị của nhân dân khối phố mình được phường giải quyết ra sao, đến đâu, khi nào có câu trả lời thỏa đáng mới yên lòng.

Đối với các cuộc vận động, phong trào của phường hay thành phố, ông đều nghiên cứu tỉ mỉ. Có vấn đề gì thắc mắc, ông tìm hỏi ngay cán bộ phụ trách để làm sao thực hiện cho hiệu quả và thiết thực nhất, sao cho bà con dễ nghe dễ hiểu, cùng chung tay thực hiện. Như khi TP.Tam Kỳ triển khai các dự án đường Bạch Đằng, cầu Kỳ Phú 1, 2 và đường dẫn, có một số hộ dân trong khối phố chưa đồng lòng với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Lúc đó, ông Bảy Cầu chịu khó bám từng nhà giải thích, vận động. Nhờ đó, hơn 40 hộ đã nghiêm chỉnh chấp hành tốt việc giải tỏa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Nguyễn Cao Tài - người dân khối phố Bàn Thạch nói: “Ông Cầu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức vì công việc chung, gần gũi sâu sát đến từng hộ dân nên biết rõ gia cảnh mỗi người, làm cầu nối để chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ phù hợp. Hay khi Đảng, Nhà nước có chế độ chính sách liên quan thiết thực đến đời sống, ông tận tình hướng dẫn lập hồ sơ kịp thời, không để cho nhân dân khối phố bị thiệt thòi”.

Khi Đảng ủy, UBND phường Hòa Hương phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Trần Kim Cầu đăng ký tham gia ngay. Với ông, việc học và làm theo gương Bác không cần phải to tát, mà có thể đơn giản từ những công việc hằng ngày, việc ứng xử với quần chúng nhân dân. Người dân khối phố Bàn Thạch vẫn mãi nhớ hình ảnh ông trong những đêm bão lũ lạnh giá vẫn chuyển từng gói mỳ tôm đến tận nhà hộ nghèo, hộ khó khăn bị ngập nước để chia sẻ khó khăn lúc cấp thời. Bàn Thạch vẫn là khối phố còn nhiều khó khăn nên vấn đề an sinh xã hội luôn được ông đặc biệt quan tâm. Đối với người cao tuổi, người khuyết tật, ông luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên. Với hộ nghèo, ông cùng quân dân chính khối phố tìm hiểu thực trạng, hướng dẫn cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Từ một khối phố nhiều năm trước có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất phường, đến nay Bàn Thạch chỉ còn 5 hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2015 không còn hộ nghèo trong diện tác động giảm nghèo. Các phong trào khuyến học khuyến tài, vận động hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi luôn được ông quan tâm. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được khối phố tập trung tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của nguời dân, nhất là thanh thiếu niên, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Trần Thông - Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hương nhận xét: “Với vai trò trưởng khối phố, ông Trần Kim Cầu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ khi biết vận dụng linh hoạt công tác vận động quần chúng. Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giúp người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương nên mọi hoạt động phong trào ở cơ sở được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia”.

Linh hoạt, sáng tạo

Con đường vào khu dân cư tổ 8, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) bây giờ đã được bê tông, không còn “mang tiếng” ở gần thị trấn mà quanh năm sống trong cảnh nắng bụi mưa lầy.

Câu chuyện về quá trình vận động người dân địa phương tham gia đóng góp tiền của, công sức xây con đường này của chị Nguyễn Thị Kim Hoa, giáo viên Trường THCS Trần Quý Cáp để lại những bài học sâu sắc về việc huy động sức dân trong các phong trào chung.

Để hoàn thành con đường bê tông dài gần 300m, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, 19 hộ dân của tổ 8 phải đối ứng số tiền gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, để huy động đủ số tiền này không phải là chuyện dễ dàng, bởi lẽ trong số 19 hộ của tổ chỉ có 5 hộ kinh tế ổn định, còn lại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, già yếu, neo đơn, gia đình có người bệnh hiểm nghèo. Trước thực tế đó, chị Nguyễn Thị Kim Hoa quyết định ra làm người “đứng mũi chịu sào”, đi vận động, xoay xở nguồn vốn đối ứng. “Lúc có chủ trương làm đường, ai cũng mừng nhưng rồi cũng vội ngao ngán lắc đầu vì không đủ tiền đối ứng. Không thể để bà con hụt hẫng, mình quyết tâm phải làm một việc gì đó để chuyện đi lại của bà con bớt vất vả hơn” - chị Hoa chia sẻ. Nghĩ là làm, chị Hoa quyết định tự thân đi vận động, nhưng mãi cũng chỉ được 15 triệu đồng (trong đó 5 hộ kinh tế ổn định đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng). Biết không thể vận động người dân thêm được nữa bởi nhiều gia đình quá khó khăn, chị đứng ra vay 15 triệu đồng để có đủ số tiền đối ứng 30 triệu đồng. “Mình đi vay coi như cho các hộ không có tiền đóng góp mượn, sau này họ tham gia thi công, lấy công lao động trả, thế là tạm ổn bài toán về vốn” - chị Hoa cho hay.

Xong bài toán về vốn thì hàng loạt khó khăn khác lại nổi lên, đoạn đường dài gần 300m thì có đến hơn 100m chỉ rộng 1,5 - 2m, làm sao có đủ nhân công, kinh phí để giải tỏa, mở rộng con đường lên 4m. Bà con trong tổ khó khăn quá, đâu thể vận động được nữa. “Lúc đó tôi nảy ra ý tưởng đi vận động bà con, người thân ở các tổ lân cận, xóm trong, xóm ngoài, người mua đất ở trong tổ nhưng chưa làm nhà” - chị Hoa kể. Thế rồi kết quả của những ngày lặn lội khắp nơi cũng có thêm được 15 triệu đồng để giải quyết khâu giải tỏa mở rộng 100m đường quá chật hẹp. Lại thêm vấn đề, con đường đất vào tổ 8 bà con làm từ năm 1999 có một đoạn 50m cao hơn đến 7 tấc so với mặt bằng chung. Chị Hoa bảo: “Lúc đó đắp lên không xong, mà san bằng ra cũng khó vì đường nào cũng thiếu nhân lực”. Trong thế bí, chị Hoa cùng bà con trong tổ liên hệ “làm việc” với một doanh nghiệp đang thi công công trình ở thị trấn. “Nói là làm việc cho sang chứ thật ra mình đến xin họ khi nào xe múc, xe ủi tạm thời không thi công thì đến san ủi mặt bằng giúp cho mình những đoạn bị nghẽn” - chị Hoa nói. Thế rồi mặt bằng con đường cũng được giải tỏa theo đúng quy chuẩn.

Trong quá trình thi công, những hộ cán bộ, viên chức đã đóng đủ tiền cũng được chị Hoa vận động tham gia đóng góp ngày công lao động để chia sẻ cùng bà con khác. Công việc của một giáo viên khá bận rộn nhưng thời gian thi công con đường chị Hoa luôn thường trực sau những giờ lên lớp. Chị kể, có nhiều bữa đang trong giờ lên lớp mà điện thoại reo liên hồi, bên đầu dây kia cứ xoay quanh chuyện cát, sạn, xi măng...

Nói về việc vận động người dân tham gia các phong trào phát động ở địa phương, chị Hoa chia sẻ: “Mình phải tìm hiểu, vận động và phải sát với thực tế. Không thể cào bằng mọi trường hợp mà phải linh hoạt, sáng tạo để có thể huy động và phát huy được sức mạnh tập thể người dân”. Bây giờ con đường vào tổ 8, thị trấn Hà Lam đã hoàn thành. Riêng đối với chị Hoa, niềm vui lớn nhất là chứng kiến thôn xóm thay đổi và phát triển từng ngày khi đường sá được đầu tư, xây dựng khang trang.

Theo quangnam.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất