Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy đảng,
chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tập
trung lãnh đạo thực hiện và gặt hái được nhiều thành công. Phong trào đã
có sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tác động tích cực, động viên cán
bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện nhà phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Đảng bộ huyện Minh Hóa có 16 khối dân vận xã, thị trấn với 230 cán bộ
làm công tác dân vận, có 135 tổ dân vận các thôn, bản, tiểu khu. Thực
hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban
hành các văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong hệ thống chính trị
và toàn thể nhân dân; chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp, hướng dẫn
các tổ chức cơ sở đảng và các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện rộng
khắp trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời, chọn 3 đơn vị là xã Quy Hóa, Xuân Hóa, Hóa Hợp làm điểm để
phát động; tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng đến các đảng bộ,
chi bộ, cơ quan đơn vị trực thuộc, Mặt trận và các tổ chức chính trị -
xã hội. Đặc biệt, 100% khối dân vận các xã, thị trấn tham mưu cho cấp
uỷ, chính quyền tổ chức ký cam kết xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”
trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia tích cực phong trào.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong điều kiện khó khăn,
nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban ngành cấp
tỉnh, Đảng bộ và nhân huyện Minh Hóa đã phát huy nội lực, vượt qua khó
khăn thử thách, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của mình.
|
Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” nông dân Minh Hóa thi đua lao động sản xuất. |
Trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt
9,57%, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 24,64%, giá trị thương
mại dịch vụ tăng 32,31%, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp- thủy sản đạt
43,05%. Tiềm năng, sức sản xuất xã hội được khơi dậy, nguồn lực đầu tư
sản xuất được huy động tốt hơn; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng, quản lý tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” không chỉ tạo sức mạnh tổng hợp
trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trong lĩnh vực
xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện Minh Hóa đã xây dựng được 60
mô hình kinh tế trang trại, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi, nuôi trồng
thuỷ sản, nuôi ong lấy mật...
Có 49 mô hình liên quan đến văn hóa-xã hội đã được hình thành và hoạt
động hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình "thắp sáng đường quê" của
Đoàn thanh niên, mô hình xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình
thương, nhà mái ấm đồng đội, mái ấm công đoàn... của Mặt trận và các
đoàn thể chính trị - xã hội. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo đã phát triển cả
về quy mô và chất lượng; mạng lưới trường, lớp của các bậc học không
ngừng mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt cho việc dạy
và học.
Thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các cấp ủy
đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập
trung đổi mới các hình thức phát động phong trào thi đua yêu nước về xây
dựng nông thôn mới, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến
đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, các công
trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Đến nay, đã có xã Quy
Hóa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có 3 xã đạt 10-15 tiêu chí, 9 xã
đạt 5 - 9 tiêu chí.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
cũng đang phát huy hiệu quả. Đến nay đã có trên 70% số hộ gia đình đạt
tiêu chuẩn văn hóa, 63,7% số thôn, bản được công nhận danh hiệu văn hóa;
16/16 xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại, 97% số hộ dân được dùng
điện lưới quốc gia. Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và phát triển;
công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em từng
bước được cải thiện, công tác phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng
giới được đẩy mạnh.
Phong trào “Dân vận khéo” đã từng bước góp phần giữ vững an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương. Công tác phòng ngừa,
đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm có chuyển biến tích cực, nhiều vấn
đề phức tạp về an ninh chính trị, khiếu kiện đông người sớm được giải
quyết. Qua 5 năm, huyện Minh Hóa đã xây dựng các mô hình trong lĩnh vực
ANTT như: mô hình dòng họ tự quản về ANTT, nhóm liên gia tự quản, tuyến
đường tự quản...
Với các nội dung chủ yếu của từng phong trào, huyện đã chỉ đạo lồng
ghép, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng đơn vị,
đoàn thể vững mạnh; phòng chống tệ nạn xã hội, giải quyết có hiệu quả
các vấn đề xã hội bức xúc.
Bên cạnh đó, các cấp uỷ đảng cũng đã thực hiện có hiệu quả việc đối
thoại với nhân dân, gặp mặt cán bộ hưu trí để tranh thủ ý kiến của các
đồng chí nguyên là lãnh đạo các cấp. Lực lượng Công an huyện đã phối hợp
với Mặt trận và các đoàn thể xây dựng, củng cố 303 nhóm gia đình tự
quản, 13 dòng họ tự quản, 7 mô hình khu dân cư bảo đảm an toàn giao
thông, 41 mô hình khu dân cư không có tệ nạn xã hội.
Mặt trận và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện cuộc vận động
“Ngày vì người nghèo”, đã vận động số tiền 2,112 tỷ đồng, hỗ trợ xây
dựng được 101 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo
Quyết định 167, 135, 124 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 442 triệu
đồng. Liên đoàn Lao động huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội
Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cũng đã tổ chức các phong trào thi đua,
góp phần làm sôi nổi thêm phong trào “Dân vận khéo”, thúc đẩy kinh tế -
xã hội của địa phương phát triển.
Có thể khẳng định rằng, để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ các
thành viên trong hệ thống chính trị đã phối hợp nhịp nhàng, tham mưu
giúp cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện tốt chủ trương chính sách
của Đảng, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận cao trong các tầng
lớp nhân dân, kịp thời nêu gương và khen thưởng những điển hình trong
phong trào thi đua “Dân vận khéo”...
Nguồn: baoquangbinh.vn, ngày 13/4/2016