Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước hai năm so với kế hoạch đề ra, huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng nhiều công trình, thiết chế văn hóa cơ sở, cải tạo môi trường sông Om... là những công việc khó nhưng huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) thực hiện thành công trong những năm gần đây. Có được kết quả này là nhờ huyện đã làm tốt công tác dân vận, phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|
Ðại diện Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì trao đổi công việc với các thành viên
Tổ Dân vận thôn Thượng, xã Thanh Liệt. Ảnh: ÐĂNG ANH |
Nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy Thanh Trì đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới là một trong ba khâu đột phá và cụ thể hóa thành chương trình công tác toàn khóa về "Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới" triển khai đồng bộ tại 15 xã của huyện. Sau hơn 5 năm, từ chỗ huyện chỉ có ba xã đạt 14 đến 15 tiêu chí, đến hết năm 2015, cả 15 xã đã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, "về đích" trước hai năm theo đề án thành phố phê duyệt.
Kết quả nổi bật là nhiều dự án, công trình về hạ tầng kinh tế - xã hội đã được triển khai nhanh chóng tại các xã, tạo nên sự thay đổi lớn về bộ mặt nông thôn. Hơn 163 km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo; các tuyến đường trục chính được đầu tư xây dựng đồng bộ tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi. 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có chợ đạt chuẩn, có hệ thống chiếu sáng tại các đường trục thôn, xóm. Tất cả 71 thôn có nhà văn hóa. 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó huyện là địa phương duy nhất của thành phố xây dựng được 14 bể bơi cho học sinh trong các trường học. Công tác dồn điền đổi thửa đã đạt 100% kế hoạch. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng cây ăn quả, trang trại nấm, trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, mở rộng nuôi trồng thủy sản tập trung... Hiện huyện đang xây dựng Ðề án củng cố và nâng cao hiệu quả vùng rau an toàn, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có được kết quả nêu trên là nhờ huyện đã làm tốt công tác dân vận, phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trình Thị Kim Loan cho biết: Xác định dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, Ban Dân vận Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, mở các lớp tập huấn về công tác này; tổ chức tọa đàm, thi đua "Dân vận khéo". Qua đó, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đa dạng các hình thức vận động quần chúng, tạo nên những hiệu quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Huyện đã vận động được nhân dân hiến 11.380 m2 đất và đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới, để cải tạo môi trường, kè và làm sạch hồ, ao, trồng hàng chục nghìn cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp... Rất nhiều thôn đã huy động được hàng tỷ đồng từ các hộ dân để xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng.
Ai đến thôn Thượng, xã Thanh Liệt hôm nay cũng ngạc nhiên vì thôn có tới hai nhà văn hóa khang trang, khuôn viên rộng hàng nghìn m2. Nhờ có cơ sở vật chất tốt như vậy, cho nên đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển. Sinh hoạt cộng đồng phong phú, chan hòa, ấm cúng. Bác Nguyễn Bá Xuyến, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân vận thôn Thượng tâm sự: Ban đầu cũng có nhiều khó khăn lắm, vì muốn làm gì cũng thiếu kinh phí. Nhà văn hóa cơ sở 1 xây dựng năm 2010, chi phí hết hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Chúng tôi phải đi huy động nốt số tiền còn lại từ các hộ dân, bằng cách vận động mỗi khẩu đóng góp 200 nghìn đồng, ngoài ra còn đề nghị người dân cho vay. Sau đó chính quyền thôn tìm nguồn thu từ việc cho thuê đất dịch vụ để hoàn trả khoản vay cho các hộ dân. Với cách làm đó, thôn tiếp tục xây dựng Nhà văn hóa cơ sở 2 với kinh phí hơn ba tỷ đồng, rồi làm đường, xây trường, cải tạo môi trường ao hồ... Tất cả đều được thực hiện bằng sự đóng góp chủ yếu của các hộ dân. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đều từ sự đóng góp tiền và công sức của nhân dân, cho nên mọi người đều có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn, sử dụng hiệu quả công trình.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ của Năm Trật tự, văn minh đô thị, huyện có nhiều cách làm hay. Trên địa bàn huyện có sông Om chảy qua địa bàn bảy xã, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều đoạn sông bị ô nhiễm nặng nề. Nhất là đoạn qua địa bàn thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp khiến người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðặng Ðức Quỳnh cho biết: Huyện đã huy động 1.400 lượt người, trong đó nòng cốt là Hội Nông dân và Ðoàn Thanh niên ra quân tổng vệ sinh tích cực. Huyện đã huy động được 12 tỷ đồng từ nhân dân và các doanh nghiệp, tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, đào đắp bờ sông, vệ sinh thu gom đất, rác, phế thải. Sau đó, hai bên bờ sông được tổ chức trồng hoa, cây xanh, thảm cỏ, bày trí tiểu cảnh với diện tích hơn sáu nghìn m2 tạo nên không gian xanh, sạch, môi trường trong lành. Người dân vô cùng phấn khởi khi được thụ hưởng thành quả từ chính công sức lao động của mình. Hiện nay, công tác tổng vệ sinh vẫn được duy trì nền nếp vào thứ bảy hằng tuần. Diện tích cây xanh, thảm cỏ được giao cho các đoàn thể chăm sóc, duy trì thường xuyên.
Nhờ khéo vận động, thuyết phục người dân, mà nhiều việc khó ở Thanh Trì đã được thực hiện thành công. Mô hình lấy dân làm gốc ở địa phương này xứng đáng để nhiều địa phương học tập, nhân rộng.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 06/10/2016