Chủ Nhật, 17/11/2024
Hiệu quả mô hình dân vận khéo trong xây dựng đời sống văn hóa mới

Trước đây, xã Bá Hiến nói chung, thôn Bá Hương nói riêng khi tổ chức việc cưới, việc tang tình trạng ăn uống linh đình, mời khách tràn lan diễn ra phổ biến; các hủ tục lạc hậu, rườm rà gây tốn kém, lãng phí cho gia đình và xã hội. Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi tổ chức việc cưới, việc tang cho người thân trong gia đình đều phải lo lắng vay mượn khắp nơi để trả nợ. Những hủ tục, thói quen có từ ngàn xưa, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, để thay đổi cần sự đoàn kết, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn.

Ông Dương Xuân Lam, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Bá Hương cho biết: Sau khi Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được quán triệt, triển khai thực hiện, thôn Bá Hương được xã chọn làm điểm xây dựng mô hình dân vận khéo thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, tổ dân vận xác định công tác tuyên truyền, vận động giữ vai trò quan trọng làm thay đổi nhận thức và việc làm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong thôn. Thông qua hệ thống truyền thanh, các buổi họp chi bộ, họp thôn, sinh hoạt đoàn thể… các thành viên trong tổ dân vận tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của địa phương về xây dựng đời sống văn hóa mới; gắn việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa”...; tuyên tuyền về lợi ích, ý nghĩa của việc thực hiện theo nếp sống mới tác động đến sự phát triển KT-XH của địa phương, cũng như ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe của mọi người.

Với phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các thành viên trong tổ dân vận đi đầu, làm gương để nhân dân làm theo. Cấp ủy, chính quyền thôn đã có nhiều hình thức khen thưởng như biểu dương, ghi tên vào sổ vàng truyền thống, đề nghị cấp trên trao tặng bằng khen, giấy khen đối với cá nhân, gia đình thực hiện tốt; ngược lại, thôn kịp thời nhắc nhở, phê bình trên hệ thống loa truyền thanh những gia đình, cá nhân không thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của địa phương. Các quy định thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ được bổ sung vào quy ước văn hóa của thôn. Nhờ vậy, phong trào đi vào chiều sâu, được người dân trong thôn thực hiện một cách tự nguyện.

Nhớ lại đám hiếu đầu tiên ở thôn thực hiện theo quy ước mới không bày cỗ khi khách đến viếng, ông Dương Xuân Lam, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Bá Hương cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin buồn, tổ dân vận họp và trực tiếp xuống gia đình đặt vấn đề thực hiện việc tang theo quy ước mới. Ban đầu, gia đình có người mất không đồng ý, nhưng được tuyên truyền, giải thích, gia đình đồng thuận thực hiện theo quy định mới. Được ban tang lễ của thôn giúp đỡ, gia đình tang chủ tổ chức các nghi thức đảm bảo trang nghiêm, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Từ một, hai hộ làm điểm, đến nay, nhân dân trong thôn khi tổ chức việc tang thực hiện đúng theo hương ước, quy ước làng, xã văn hóa. Các hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, bắc cầu, chống gậy… đã được xóa bỏ”. Ban công tác Mặt trận cùng với đoàn thể trong thôn làm tốt công tác vận động nhân dân sử dụng hình thức hỏa táng thay cho địa táng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm quỹ đất trong nghĩa trang.

Bà Dương Thị Sáp, thôn Bá Hương cho biết: “Vừa qua, mẹ tôi qua đời, gia đình chúng tôi họp bàn quyết định đưa cụ đi hỏa táng. Tôi nhận thấy sử dụng hình thức hỏa táng rất văn minh vì không phải cải táng, bốc mộ, nhờ vậy, giảm đau thương cho các thành viên trong gia đình, mặt khác, phần tro cốt được đựng trong hũ đảm bảo vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường”.

Việc cưới được nhân dân trong thôn thực hiện đúng theo quy định của địa phương. Các thành viên trong tổ dân vận, trong đó, nòng cốt là Đoàn Thanh niên xã có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các ĐVTN trong độ tuổi lập gia đình, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những ĐVTN chuẩn bị kết hôn thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức hôn lễ vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Lễ chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới được nhân dân trong thôn tổ chức trang trọng, lành mạnh, diễn ra trong 1 ngày. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong thôn khi tổ chức việc cưới cho con hoặc bản thân luôn gương mẫu, đi đầu không tổ chức linh đình, mời khách tràn lan; không mời khách trong giờ làm việc, tổ chức ở nhiều nơi, nhiều lần ở địa điểm khác nhau; trong đám cưới không mời thuốc lá…

Việc tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi, được người dân trong thôn thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Vào mùng 4 Tết, tại nhà văn hóa thôn, Đảng ủy, UBND xã cùng với Hội Người cao tuổi tổ chức mừng thọ, trao bằng chứng nhận cho các cụ nhận thọ. Bên cạnh đó, hàng năm, nhân dân trong thôn Bá Hương tổ chức 2 lễ hội là lễ Khai hạ vào mùng 7 và hội chùa vào 15 tháng 2 Âm lịch đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, không có hiện tượng mê tín, dị đoan, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn, ngày 10/4/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất