|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị |
Tại Hội nghị, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn gợi ý, các ý kiến góp ý cần tập trung vào những vấn đề chung trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như chủ đề, phương châm chỉ đạo, mục tiêu, những dấu ấn nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xuất phát từ thực tiễn triển khai tại địa phương, cơ quan đơn vị, trong đó có các vấn đề về công tác Đoàn, Hội, Đội, thanh niên Việt Nam.
Cần nhân lực trình độ cao
Góp ý tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, là kết tinh trí tuệ tập thể, nêu bật được những thành tựu tổng quan trong nhiệm kỳ qua, trong 30 năm đổi mới đồng thời xác định được hướng đi, lộ trình, mục tiêu trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Đức Tùng cho rằng, Dự thảo Văn kiện cần nhấn mạnh việc tận dụng lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nông nghiệp, du lịch thông minh… vì đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế… Từ đó, Việt Nam cần chủ động xây dựng, thích ứng với nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển bền vững, thúc đấy phát triển kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài…
Đồng chí Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội cho rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhưng trong 5 năm qua, vấn đề này luôn nóng và khó; nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực nhưng để tăng trưởng, Việt Nam cần cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển các ngành các lĩnh vực có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao.
“Quá trình này cần nhân lực trình độ cao. Dù đang trong dân số vàng nhưng chúng ta có nhiều hạn chế. Theo báo cáo gần đây chúng ta có khoảng 24 nghìn người có học vị tiến sĩ, nhưng nhiều người giữ chức vụ quản lý, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và thạc sĩ hàng năm tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Tỷ lệ phải đào tạo lại tương đối cao”, đồng chí Trương Ngọc Kiểm nói.
Theo đồng chí Trương Ngọc Kiểm, nếu nhìn nhận ở 3 góc độ là đào tạo, sử dụng và đãi ngộ thì quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của các ngành vẫn còn yếu, manh mún; nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn còn hạn chế, trình độ đào tạo không đảm bảo; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thu nhập cào bằng hạn chế mức đóng góp…
“Chế độ đãi ngộ nhân tài vẫn nằm trong dự định, dự thảo của các cấp có thẩm quyền. Giáo dục đào tạo quyết định nguồn nhân lực, vì thế đòi hỏi thay đổi căn bản, toàn diện từ nội dung, phương pháp giảng dạy đến xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, đồng chí Trương Ngọc Kiểm góp ý.
Lo ngại văn hóa ngoại nhập
Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương kiến nghị, liên quan đến phát triển văn hóa xã hội, cần phát huy, xây dựng con người tử tế, giàu lòng nhân ái, khoan dung… Cốt lõi nhất, theo đồng chí Phan Thị Thanh Phương là gìn giữ văn hóa gia đình, hướng tới việc xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.
“Vấn đề gia đình trẻ hiện nay cần được quan tâm. Hiện nay, khoảng cách thế hệ, tính bền vững của gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ là một vấn đề”, đồng chí Phan Thị Thanh Phương nói đồng thời mong muốn, cần có chuyên đề về xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, có các giải pháp cần thiết để giới trẻ quan tâm đến xây dựng gia đình, sinh đủ con và nuôi dạy con ngoan, tiến bộ. “Như TP. Hồ Chí Minh vừa đánh giá, tỷ lệ tổng số sinh của thành phố rất thấp. Việc sinh con đủ này sẽ duy trì được tỷ lệ dân số vàng cho đất nước”, đồng chí Phan Thị Thanh Phương nói.
Đồng chí Phan Thị Thanh Phương cũng cho rằng, cần có Nghị quyết chuyên đề về giáo dục lòng yêu nước cho công dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2045. Phải bắt nguồn từ trẻ em, bồi đắp cho thanh thiếu nhi. Người trưởng thành phải làm gương. Phải đầu tư thiết chế văn hóa, địa điểm, địa danh lịch sử, không gian văn hóa… để lan tỏa ra mọi người.
Cùng với đó, cần định hướng văn hóa thưởng thức cho thanh thiếu nhi vì hiện nay, dường như văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian đang lép vế hơn so với văn hóa ngoại nhập. Đồng chí Phan Thị Thanh Phương cũng cho rằng, nên quản lý mạng xã hội, sản phẩm truyền hình để định hướng tư tưởng thẩm mỹ cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, trong Dự thảo Văn kiện, phần về thế hệ trẻ có sự thống nhất rất cao, xác định thanh niên có vai trò, vị trí là rường cột của nước nhà.
“Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nên suy nghĩ về những thách thức cơ hội trong 5 năm, 10 năm, 15 năm tới. Thế hệ trẻ sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào để tận dụng được toàn bộ cơ hội. Học hành phải giỏi hơn để đổi mới sáng tạo, để ứng dụng khoa học công nghệ, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao và vượt qua những thách thức”, đồng chí Trương Thị Mai nói.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, tại hội nghị đã có ý kiến nói về về thách thức về nguồn nhân lực, thách thức về năng suất lao động, về năng lực cạnh tranh, thách thức về tốc độ tăng trưởng, thách thức về đổi mới sáng tạo.
“Cũng có ý kiến nói về đảm bảo an ninh truyền thống, phi truyền thống. Thanh niên cần làm gì. Như mấy hôm nay biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đang diễn ra thì thanh niên có đóng góp gì? Nó là vấn đề rất trực diện, chúng ta phải suy nghĩ thêm. Có thể không góp ý cho Báo cáo chính trị, nhưng cần suy nghĩ mình nên làm gì để đưa nội dung báo cáo chính trị sau khi được thông qua, sẽ trở thành hiện thực”, đồng chí Trương Thị Mai gợi ý.
(tienphong.vn)