Nhiều năm qua, thông qua hoạt động của các tổ, nhóm tiết
kiệm, nhiều cán bộ, hội viên các chi hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có cuộc
sống ổn định hơn.
|
Nhờ nhận đồng vốn xoay vòng, chị Dương Thị
Thanh, ở ấp 11, xã Lương Nghĩa, có điều kiện đầu tư cho rẫy hoa màu. |
Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn
Ngồi
trong ngôi nhà mới vừa được lợp lại mái tôn, chị Nguyễn Thị Thu Liên, ở ấp 6,
xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, vô cùng phấn khởi. Niềm vui hôm nay gia đình chị có
được một phần nhờ bản thân chị thực hiện theo sự vận động của chi hội phụ nữ ấp
về thực hành tiết kiệm thông qua phong trào nuôi heo đất. Đây là năm thứ ba chị
Liên tham gia thực hiện phong trào này. Đối với chị, phong trào không chỉ giúp
tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, mà còn giáo dục con cái có thói
quen tiết kiệm ngay từ nhỏ.
Chị
Liên cho biết: “Thường mỗi ngày tôi bỏ ống heo vài nghìn đồng lẻ đi chợ về còn
dư, hay những lần thu gom ve chai trong nhà bán, tôi cũng bỏ vô đó như một phần
tiền không cần dùng đến. Mới đầu cứ nghĩ tham gia cho vui, nhưng đến lúc mổ heo
số tiền có được cũng khá nên thêm vô một ít là đủ tiền mua tôn lợp lại mái nhà
đã dột lâu nay”. Thấy phong trào dễ thực hiện lại có ý nghĩa thiết thực, nên
chị Liên đã vận động những chị em trong xóm cùng thực hiện. Điều đáng mừng là
không chỉ chị em cùng xóm làm theo, mà hai đứa con nhỏ của chị cũng đòi mẹ mua
cho hai con heo đất để nuôi. Năm vừa rồi, hai đứa không cần xin tiền mẹ mua
quần áo mới đi học, vì tiền “mổ heo” đã đủ để các cháu sắm sửa quần áo.
Còn
chị Phan Thị Mỹ Trang, ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cũng đã tham gia và
xây dựng được mô hình chăn nuôi từ đồng vốn tự mình tích cóp được. Nhìn vào
thành quả của mình có được, chị Mỹ Trang phấn khởi: “Lứa vịt này là lứa thứ tư
tôi nuôi. Tiền mua vịt lần đầu tiên là số tiền tiết kiệm được từ phong trào
“ống tiền tiết kiệm” do chi hội phụ nữ ấp phát động. Sau một năm bỏ ống, số
tiền tôi tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng. Mới đầu, vợ chồng tôi định mua tủ
lạnh, nhưng thấy hàng xóm nuôi vịt siêu ngỗng đạt hiệu quả, nên tôi lấy số tiền
đó làm vốn chăn nuôi. Dù mới tập chăn nuôi, nhưng lứa vịt nào cũng đạt hiệu
quả. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục thực hiện phong trào, vì tôi nghĩ tiết kiệm hôm
nay để ngày mai sử dụng vào việc cần thiết sẽ mang lại hiệu quả hơn”.
Phong
trào phụ nữ thực hành tiết kiệm đã trở thành điểm nhấn trong phong trào thi đua
của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, hội liên hiệp
phụ nữ các cấp đã vận động chị em hội viên thực hành tiết kiệm thông qua các mô
hình: nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, sổ tiết kiệm tình thương, ống tiền tiết
kiệm, bán phế liệu tiết kiệm… Hầu hết các phong trào đều thu hút đông đảo chị
em hội viên tham gia. Kết quả, có hàng ngàn lượt chị em hội viên tham gia và
tiết kiệm được tổng số tiền trên 3 tỉ đồng, để phục vụ vào việc chăn nuôi, sửa
chữa nhà, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình…
Phụ nữ cùng giúp nhau vượt khó
Không
chỉ vận động chị em hội viên thực hành nhiều phong trào tiết kiệm, thời gian
qua, các cấp hội phụ nữ còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển
kinh tế gia đình. Nhiều câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi được thành
lập và hoạt động có hiệu quả. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập được
2.250 tổ, nhóm tiết kiệm với hơn 48.000 thành viên tham gia, số tiền huy động
trên 120 tỉ đồng. Từ số tiền này, các cấp hội phụ nữ cho mượn xoay vòng không
tính lãi hoặc lãi suất thấp để giúp hơn 40.600 lượt phụ nữ có điều kiện phát
triển kinh tế gia đình.
Chị
Dương Thị Thanh, ở ấp 11, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Trước đây,
đời sống kinh tế gia đình cũng ổn định, nhưng do có người thân bệnh tật phải
chữa chạy nhiều năm nên cầm cố cả 7 công đất, rồi lọt vào danh sách hộ nghèo
của địa phương. Năm 2011, Nhà nước cho vay vốn làm ăn, từ đó 2 công đất trồng
lúa của gia đình cũng chuyển sang trồng hoa màu để cho thu nhập khá hơn. Cùng lúc
này, chi hội phụ nữ ấp kêu vào câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế
gia đình, tôi tham gia và bắt đầu nhận đồng vốn xoay vòng. Từ đồng vốn đó, tôi
mua phân, thuốc chăm sóc cho mấy công hoa màu nên năng suất luôn đạt cao. Năm
2012, vợ chồng tôi đăng ký thoát nghèo và tiếp tục phát triển mô hình hoa màu
đến tận bây giờ. Gia đình cố gắng làm vài năm để chuộc lại mấy công đất trước
đây cầm cố”.
Bà
Huỳnh Thúy Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Nhằm hỗ trợ,
giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, các cấp hội đã tăng cường vận động
hội viên phụ nữ thực hiện nhiều hình thức giúp nhau giảm nghèo bền vững. Hiện
nay, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập hơn 820 tổ hùn vốn, hơn 1.430 nhóm
tiết kiệm, qua đó đã giúp đỡ cho hơn 47.420 lượt hội viên phụ nữ vay phát triển
kinh tế gia đình, bằng các mô hình như chăn nuôi, trồng trọt, các nghề thủ
công,… Nhờ vậy, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn tỉnh đã giảm rất
nhiều so với các năm trước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động chị em phụ
nữ triển khai hiệu quả hơn nữa các tổ vay vốn xoay vòng, các câu lạc bộ phụ nữ
giúp nhau làm kinh tế…
Nguồn:
baohaugiang.com.vn/ Như Nguyệt, ngày 11/8/2015