1. Ngay
từ Đại hội lần thứ VI của Đảng - Đại hội đổi mới, Đảng ta đã rút ra một
trong bốn bài học sâu sắc từ thực tiến cách mạng, đó là “Lấy dân làm
gốc”. Thực chất, đó là phát huy quyền làm chủ của nhân dân - “Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tinh
thần cơ bản của phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
là để thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm làm chủ thông
qua đại diện trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể và tập thể lao động;
làm chủ trực tiếp bằng các hình thức tự quản của nhân dân, bằng các quy
ước, hương ước tại cơ sở phù hợp với pháp luật của Nhà nước và truyền
thống tốt đẹp của dân tộc. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước có quan hệ trực tiếp đến đời sống của quần
chúng nhân dân đều là nội dung mà người dân cần biết, cần bàn, cần thực
hiện và cần kiểm tra việc thực hiện. Chính vì vậy, một khi “Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành nền nếp hằng ngày của xã hội
thì có nghĩa là những nội dung của cơ chế đó trở thành một thể thống
nhất, có quan hệ biện chứng với nhau trong quá trình thực hiện.
Đảng
và Nhà nước ta đã thực hiện việc thảo luận và tiếp thu ý kiến đóng góp
của các tầng lớp nhân dân đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước
có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân trước khi quyết định.
Vừa qua, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến đóng
góp và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đã được các cơ quan có
trách nhiệm lắng nghe và tiếp thu trong quá trình soạn thảo và hoàn
thiện.
Một
số vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống như: đấu tranh chống tham nhũng,
chạy chức, chạy quyền, giải tỏa đền bù đất đai,… do biết dựa vào dân,
thực hiện quyền làm chủ của nhân dân nên đã giải quyết tốt.
Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình thực hiện chức năng là một liên
minh chính trị rộng lớn và là một tổ chức liên hiệp tự nguyện của các
tầng lớp nhân dân đã có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện quyền
làm chủ của nhân dân trong những năm đổi mới vừa qua. Những tiến bộ
trong việc hiệp thương giới thiệu người để bầu cử vào các cơ quan dân cử
các cấp, tiếng nói của Mặt trận và các đoàn thể góp phần đổi mới các
sinh hoạt của Quốc hội, đóng góp vào việc xây dựng Hiến pháp, các bộ
luật, các chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã
hội là biểu hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong
thời gian vừa qua, một hoạt động tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
là việc đề xướng và chủ trì Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư”, được toàn dân hưởng ứng và đã mang lại
những kết quả bước đầu trong việc bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh,
nâng cao dân trí. Đó là những điều kiện, những tiền đề và cũng là nội
dung của dân chủ, là thước đo việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Thông qua Cuộc vận động này ở cơ sở, đã tạo điều kiện để thực hiện tốt
hơn “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thực
tế cho thấy, trong sinh hoạt tại không ít cộng đồng dân cư, nhân dân đã
đi dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử đông hơn, mạnh dạn hơn
trong việc đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, bày tỏ nguyện vọng,
chất vấn đại biểu dân cử về nhiều vấn đề có liên quan kinh tế, chính
trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, về trách nhiệm của đại biểu dân cử đối
với cử tri, kể cả kiến nghị bãi miễn những đại biểu không làm tròn
trách nhiệm hoặc không còn tư cách đại biểu.
Cuộc
vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn
tạo điều kiện cho tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tiếp cận thường
xuyên hơn với các tầng lớp nhân dân, hiểu dân, sát dân hơn, làm cho mối
quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân càng thêm khăng khít, bền chặt, tạo
cơ sở cho Mặt trận các cấp phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa nhân
dân với Đảng và Nhà nước, tham gia có hiệu quả hơn vào việc xây dựng chủ
trương, chính sách, pháp luật; thực hiện tốt hơn việc giám sát cán bộ,
viên chức và cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; vận
động nhân dân thực hiện pháp luật và các nghĩa vụ của công dân.
Mặc
dù vậy, phải khách quan thừa nhận rằng, giữa yêu cầu của việc thực hiện
quyền làm chủ của nhân dân với thực tiễn diễn ra trong cuộc sống vẫn
còn một khoảng cách. Đó là người dân còn thiếu nhiều thông tin mà họ
muốn biết, cần được biết và phải biết về quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Vì vậy, dân cũng chưa có điều kiện để bàn bạc, góp ý vào đường lối,
chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống hằng ngày của họ và gia
đình họ trước khi ban hành cũng như sau khi ban hành. Cho nên, việc xây
dựng chính sách và thực thi chính sách, pháp luật vẫn mang tính chất
“đưa từ trên xuống hơn là từ dưới lên”. Người dân không thể bàn điều gì
họ không được biết.
Mặt
khác, việc tổ chức cho nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp
luật, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức đời sống tự quản ở
khu dân cư… tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều hạn chế. Chính vì thiếu thông
tin, không được bàn bạc, thảo luận, thiếu điều kiện chủ quan và khách
quan, nên việc thực hiện nghĩa vụ của người dân, việc phát huy tiềm năng
sáng tạo trong hành động thực hiện nghĩa vụ của người dân có thể dẫn
đến trạng thái hoặc là bị hạn chế, hoặc là tự phát không theo định
hướng, thậm chí vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Bên
cạnh đó, khâu yếu nhất là thực hiện việc kiển tra, giám sát của nhân
dân đối với cá nhân và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ
bảo vệ quyền lợi và tổ chức thực hiện nghĩa vụ của người dân. Người dân
vẫn là đối tượng kiểm tra, giám sát một chiều từ phía các cơ quan lãnh
đạo, quản lý.
2.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra” phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó phải kể
đến:
Thứ nhất,
nhận thức về quan điểm quần chúng trong điều kiện Đảng cầm quyền có bộ
máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, chưa được làm sáng tỏ. Chủ
nghĩa quan liêu là một trong những nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền. Bệnh
quan liêu, xa rời quần chúng là một trở lực trong việc thực hiện “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là bức tường ngăn cách Đảng với
quần chúng, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, làm xói mòn phẩm chất,
đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
Thứ hai,
chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế thiết thực để thực hiện “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những quy định trong Hiến pháp và
pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân phải cụ thể, có sự ràng buộc
trách nhiệm để thực hiện trên thực tế, nhằm khắc phục tình trạng tùy
tiện và buông lỏng việc thực hiện.
Thứ ba,
muốn thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần phải có
các điều kiện cần thiết như: trình độ dân trí để dân có thể tìm hiểu,
bàn bạc, tổ chức hành động, kiểm tra, quan sát; việc tuyên truyền giáo
dục pháp luật thường xuyên để dân hiểu và thi hành đúng pháp luật; việc
tổ chức tốt các kênh thông tin từ trên xuống, từ dưới lên để người dân
kịp thời nắm bắt, thực hiện…
Thứ tư,
bộ máy tổ chức lãnh đạo và quản lý cấp cơ sở trên địa bàn dân cư hiện
nay ở không ít nơi còn nhiều bất cập, chưa thực sự là nơi tổ chức thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân. Bộ máy quản lý ở cấp cơ sở còn nhiều
đầu mối, nhiều cửa, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, gây phiền hà cho
dân, làm cho thông tin từ dưới lên thiếu chính xác.
Thứ năm,
đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan lãnh đạo, quản lý đông nhưng chưa
đủ mạnh, ít được đào tạo bồi dưỡng, việc tuyển chọn chưa thực sự chặt
chẽ, việc sử dụng chưa hợp lý, một số người suy thoái về phẩm chất đạo
đức đã làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân, tổn hại đến uy tín của
Đảng và Nhà nước.
Chính
những nhân tố kể trên là những nguyên nhân đã tác động và ảnh hưởng
không nhỏ đến việc thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Nếu không khắc phục được những nguyên nhân đó, chúng ta khó có thể phát
huy được quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của
quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mặt
trận Tổ quốc đại diện cho các tầng lớp nhân dân rộng rãi trong xã hội
cần có tiếng nói có “trọng lượng” trong các cơ quan dân cử ở địa phương,
trong các cơ quan nhà nước các cấp và trong Quốc hội. Trong điều kiện
Đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước, việc thông qua Mặt trận Tổ quốc để thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân là một giải pháp đúng đắn và hữu hiệu.
Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc đảm đương sứ mệnh lịch sử cao cả là ngọn cờ
tập hợp, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực,
bảo đảm thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất
nước. Bằng cách thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra”, Mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới, cần tập trung vào
những vấn đề cơ bản sau:
-
Trước hết, cần đổi mới nhận thức về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong
điều kiện Đảng cầm quyền. Quan niệm cho rằng, mọi việc đã có bộ máy nhà
nước quản lý, Mặt trận chỉ đóng vai trò “tượng trưng” là hoàn toàn không
đúng đắn với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Điều này cần được quán
triệt trước hết trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các tổ chức
chính trị, xã hội và trong toàn thể nhân dân, nhất là đối với một số cán
bộ có chức quyền.
-
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc là một
đòi hỏi khách quan. Chỉ có trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của
Mặt trận Tổ quốc trong những năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm
thiết thực, mới có thể đề ra những nội dung, phương thức hoạt động thích
hợp với tình hình mới của Mặt trận. Rõ ràng, sau gần 30 năm đổi mới
tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có những biến chuyển quan
trọng, trình độ dân trí đã được nâng cao, sinh hoạt dân chủ trong xã hội
có nhiều tiến bộ, vì vậy, Mặt trận Tổ quốc không thể giữ nguyên những
nội dung, phương thức hoạt động như các giai đoạn trước đây. Cần phải
“tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,
khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp,
đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân;
thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng,
Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu
nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”(1).
-
Đổi mới tổ chức và cán bộ của Mặt trận. Cần tiếp tục củng cố tổ chức bộ
máy, nâng cao trình độ công tác Mặt trận, nâng cao vai trò và năng lực
các cơ quan nghiên cứu để tổng kết thực tiễn xây dựng lý luận về đại
đoàn kết và Mặt trận dân tộc thống nhất. Thực tế hiện nay đang đặt ra
yêu cầu bức thiết phải đổi mới mạnh mẽ Mặt trận Tổ quốc để có thể thực
hiện tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới, phát huy hơn nữa vai trò
làm chủ của nhân dân, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra”.
Với
kinh nghiệm phong phú vận động quần chúng trong nhiều thập niên qua,
Mặt trận Tổ quốc hoàn toàn có thể phát huy vai trò tốt hơn trong việc
khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục “hoàn
thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến phản biện xã hội và giám sát
công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã
hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan
trọng,… Hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy
vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và mỗi người
dân trong việc quản lý và tổ chức đời sống cộng đồng theo quy định của
pháp luật”(2). Tất cả những điều đó, nhằm tạo nên động lực nội sinh mạnh
mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa./.
-------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 246, 145-146
Trần Đức Châm, Nguyễn Thị Minh Huệ - Học viện An ninh nhân dân
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 21/8/2015