Thứ Tư, 22/1/2025
Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông
 
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị
 - Ảnh: Minh Châu
 


Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương
Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt là giao thông đường bộ là vấn đề nhức nhối mà toàn xã hội quan tâm. Với những nỗ lực giảm thiểu TNGT của các ngành, các cấp, sự tham gia vận động tích cực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, số vụ TNGT hằng năm đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn, hậu quả để lại hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Số người chết vì tai nạn giao thông 5 năm 2005-2010 là 60.432 người, bình quân 12.084 người/năm, đã giảm xuống trong 5 năm 2011-2015 còn 47.897 người, bình quân 9.579 người/năm, trung bình giảm 20,7%.

Đề cao vai trò của tuyên truyền về luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân là giải pháp ít tốn kinh phí nhưng đem lại tác dụng mạnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cần đề xuất các giải pháp mới để việc tuyên truyền, vận động có hiệu quả cao hơn trong các mô hình truyền thống như: xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã, phường đạt chuẩn văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa cũng như đề xuất các cách làm mới.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14 cho thấy, sau khi có chương trình phối hợp, thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT; nhiều cấp ủy, chính quyền đã yêu cầu chấp hành pháp luật về ATGT; Ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo đảm ATGT.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng 38 mô hình chỉ đạo điểm “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT” tại 34 tỉnh, thành; mỗi năm có khoảng 200 xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm để nhân rộng. Ở các khu dân cư làm điểm đã thành lập ban tự quản, đội tự quản trong đó Ban công tác Mặt trận và Công an khu vực làm lực lượng nòng cốt.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả thực hiện chương trình phối hợp, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong điều kiện nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng. Cũng qua chương trình phối hợp, nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở tất cả các ngành, các địa phương đã có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban cần phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng và bảo đảm trật tự ATGT trên công trường của các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực; hoàn thành xử lý dứt điểm điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng; tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải; đổi mới hơn nữa chương trình, phương thức đào tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải; chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý phương tiện, người lái.

Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt vi phạm hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; chú trọng sử dụng hệ thống thông tin cơ sở xã, phường, tập trung tuyên truyền cho đối tượng thanh thiếu niên.

Thực hiện các giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và các tuyến giao thông trọng điểm, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông và tổ chức vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; siết chặt quản lý trật tự hành lang ATGT, vỉa hè, lòng, lề đường.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia cần tiếp tục vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, trước hết là thực hiện đúng quy định của pháp luật về ATGT, tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tham gia bảo vệ hành lang ATGT, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hành lang ATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện; phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về ATGT đang hoạt động có hiệu quả như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT”, “Tổ tự quản”, “Nhóm tự quản”, “Đoạn đường tự quản”, “Liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản”, “Xứ đạo tự quản”... cũng như sáng tạo các mô hình mới.

Dịp này, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia đã ký chương trình phối hợp về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” giai đoạn 2016-2021.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 23/11/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi