Thứ Tư, 22/1/2025
“Đoàn viên công đoàn phải có quyền và lợi ích cao hơn”
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Bùi Văn Cường trao hỗ trợ xây nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên
có hoàn cảnh khó khăn tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ
với công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ngày 22/4.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về ý nghĩa của các hoạt động này, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: 

- Năm 2017 là năm thứ 5 thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tổ chức Tháng Công nhân hằng năm; năm đầu tiên tổ chức “Tháng hành động về ATVSLĐ”; năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”; năm diễn ra đại hội Công đoàn (CĐ) các cấp, tiến tới Đại hội XII CĐ Việt Nam, trong thời gian này, CĐ các cấp liên tiếp có nhiều hoạt động để người lao động (NLĐ) có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” và “CĐ đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động”.

Điểm nhấn của lần đầu tiên thực hiện Tháng Hành động về ATVSLĐ đó là CĐCS chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, bổ sung và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe NLĐ. 

Các cấp CĐ, tùy tình hình thực tế tại địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động: Tập huấn, hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; tư vấn, cử chuyên gia hỗ trợ cho CĐCS, NLĐ; tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sẽ có 2 hội thảo lớn về vai trò của CĐ trong công tác đảm bảo ATVSLĐ được tổ chức trong tháng 5.

Để mở đầu cho “Tháng công nhân” năm 2017, ngày 22/4, tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ CNLĐ các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, để lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng với CNLĐ, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ. Tại đây, nhiều câu hỏi của CNLĐ về các vấn đề việc làm, nhà ở, BHXH, năng suất lao động đã được Thủ tướng trả lời, tạo niềm tin rất lớn cho CNLĐ.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN và LĐLĐ TP.Đà Nẵng đã tổ chức Tết Lao động với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” tôn vinh 30 công trình sản phẩm chất lượng cao; biểu dương điển hình hưởng ứng phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; hoạt động “Cảm ơn thành viên”. Các cấp CĐ vận động, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức nâng cao tay nghề cho CNLĐ để nâng cao năng suất lao động và làm cơ sở tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho NLĐ.

Lựa chọn, biểu dương công chức, viên chức, đoàn viên, CNLĐ điển hình qua cuộc vận động của Tổng LĐLĐVN hưởng ứng phong trào “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất và công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và đất nước. Ban Chấp hành CĐCS đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức hoạt động “Cảm ơn NLĐ”, xem họ là thành viên “hữu cơ” để doanh nghiệp phát triển, thể hiện sự ghi nhận đóng góp quan trọng của NLĐ đối với doanh nghiệp, địa phương, xã hội; động viên NLĐ gắn bó lâu dài, bền vững với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nhắc tới cuộc gặp gỡ ngày 22/4, khi chị Phan Thị Tuyết Sương - công nhân Cty TNHH Điện tử Foster (Quảng Nam) - đặt câu hỏi về thiết chế CĐ và trước hoàn cảnh của chị Sương, Thủ tướng đã trao tặng số tiền để chị Sương xây nhà khiến tất cả những người chứng kiến không kìm được nước mắt xúc động. Cảm xúc của Chủ tịch lúc đó như thế nào và xin Chủ tịch cho biết tổ chức CĐ sẽ thực hiện việc xây dựng thiết CĐ như thế nào để đáp ứng nhu cầu của CNLĐ cả nước?

- Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc ấy cũng như những giọt nước mắt xúc động của chị Sương. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ luôn dành thời gian và sự quan tâm cho CNLĐ. Một trong những nội dung thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới giai cấp công nhân và NLĐ đó là vào ngày 21/4, Thủ tướng đã phát biểu đồng ý phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX” do Tổng LĐLĐVN trình.

Theo đó Tổng LĐLĐVN sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các thiết chế của CĐ phục vụ CNLĐ và đoàn viên CĐ tại các KCN-KCX gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị CĐ, nhà thuốc, trung tâm tư vấn pháp luật; các công trình văn hóa, thể thao... với mức giá ưu đãi, giảm giá tối đa cho NLĐ, đặc biệt là đoàn viên CĐ. Việc xây dựng thiết chế CĐ là việc làm cụ thể của Đảng, Nhà nước và tổ chức CĐ để chăm lo cho đoàn viên, CNLĐ; cũng là nơi để tổ chức CĐ tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần cùng lãnh đạo các địa phương giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn, chăm lo cho CNLĐ - lực lượng quan trọng làm ra của cải vật chất cho xã hội. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa, chăm sóc trực tiếp, thiết thực và hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên CĐ và NLĐ.

Hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN-KCX trên cả nước có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật cho CNLĐ là hết sức bức thiết. Thời gian qua Tổng LĐLĐVN đã tích cực triển khai thực hiện các thiết chế dành cho đoàn viên, NLĐ ở các địa phương. Việc xây dựng các thiết chế CĐ được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (năm 2017-2018): Triển khai 10 thiết chế tại địa phương. Giai đoạn 2 (năm 2018-2020), sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của CĐ. Giai đoạn 3 (đến năm 2030), phấn đấu tất cả các KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế CĐ. Đối tượng ưu tiên “số 1” thụ hưởng các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ là các đoàn viên CĐ đang làm việc ở các KCN-KCX và cả đoàn viên là công chức, viên chức trẻ khó khăn về chỗ ở.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các thiết chế của CĐ như đã nói, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, vốn, thuế… nhằm khuyến khích ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Tổng LĐLĐVN trong việc cấp đất sạch và hạ tầng để Tổng LĐLĐVN và LĐLĐ tỉnh, thành phố xây dựng nhà ở và thiết chế CĐ dành cho công nhân, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.

Ngay chiều 22/4, Tổng LĐLĐVN đã khởi công công trình Trường Mầm non thuộc dự án thiết chế CĐ phục vụ tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc (thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Dự án xây dựng thiết chế CĐ tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc xây dựng trên diện tích 40.000m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 377,2 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà thi đấu đa năng; trường mầm non, sân, đường; Điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, tổng mức đầu tư trên 27,2 tỉ đồng. Về nhà ở, công viên, cây xanh, sân chơi…, sẽ được xây dựng với 14 tòa, mỗi tòa gồm 5 tầng với tổng diện tích xây dựng trên 7.800m2 sàn, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng (tương đương 884 căn hộ), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.500 đoàn viên, CNLĐ.

Năm 2017 là năm “Vì lợi ích đoàn viên CĐ”. Các hoạt động đều hướng tới tạo sự khác biệt về quyền lợi giữa đoàn viên CĐ và những NLĐ chưa hoặc không gia nhập tổ chức CĐ. Chủ trương này được cụ thể hóa như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Tất cả các hoạt động được tổ chức đều hướng đến mục tiêu đoàn viên CĐ phải có quyền và lợi ích cao hơn người không là đoàn viên CĐ. Mở đầu cho hoạt động của Tháng Công nhân đã có rất nhiều địa phương tổ chức ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm có sự ưu đãi hơn cho đoàn viên CĐ. Năm 2016, với sự chứng kiến của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Tổng LĐLĐVN đã ký kết với 9 đối tác, gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, TCty Lương thực miền Bắc, Liên hiệp Các hợp tác xã thương mại TPHCM, Cty CP Viễn thông FPT, Hiệp hội Du lịch CĐ Việt Nam, Cty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, TCty Viễn thông MobiFone trong việc giảm giá dịch vụ, sản phẩm cho đoàn viên CĐ với mức giảm giá từ 3-5% giá niêm yết.

Mới đây vào ngày 22/4, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng LĐLĐVN tiếp tục ký với 8 đối tác, gồm: TCty Đường sắt VN, Cty CP Hàng không Jetstar, Cty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, TCty Dầu VN (PVOIL), TCty Thép VN, TCty CN Ximăng VN, TCty Viglacera (nội dung chi tiết trong bài phía dưới - PV). Đây là cơ sở để các cấp CĐ cụ thể hóa các chương trình ưu đãi cho đoàn viên CĐ của mình, để tạo ra những quyền lợi của đoàn viên CĐ cao hơn người lao động chưa gia nhập tổ chức CĐ.

Mới đây, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố đã ký kết thêm với các doanh nghiệp ở địa phương để triển khai chương trình này, như: LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đưa phúc lợi đến với đoàn viên và NLĐ. Đến nay đã có 29 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ký kết tham gia chương trình phúc lợi này. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ giảm từ 5-20% so với giá niêm yết cho đoàn viên CĐ khi mua sản phẩm tại các địa lý, cửa hàng của các Cty.

Đối với các CĐCS hoặc cửa hàng CĐ, khi mua sản phẩm của các doanh nghiệp về bán cho đoàn viên CĐ sẽ được giảm giá nhiều hơn. Đặc biệt, hệ thống dịch vụ du lịch CĐ trên địa bàn tỉnh giảm giá từ 10-25% cho đoàn viên khi sử dụng dịch vụ lưu trú; Trường Trung cấp nghề số 10 giảm từ 10-30% chi phí cho đoàn viên có nhu cầu học tập nâng cao tay nghề; Nhà văn hóa Lao động tỉnh giảm từ 5-10% giá thuê sân bãi phòng tập và các hoạt động hội nghị, hội thao, liên hoan văn nghệ cho đoàn viên và CĐCS. Giảm từ 15-30% đối với đám cưới của cán bộ chuyên trách, đoàn viên CĐ khi tổ chức đám cưới tại trung tâm tổ chức hội nghị, tiệc cưới thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh.

Có thể nói, với năm “Vì lợi ích đoàn viên CĐ" và chủ trương "CĐ đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động” thì tháng nào đoàn viên CĐ, CNLĐ cũng được CĐ chăm lo, không cứ gì chỉ vào Tháng Công nhân. Với tinh thần của Ngày Quốc tế LĐ 1.5, để chăm lo cho đoàn viên CĐ tốt hơn, tổ chức CĐ sẽ nâng cao trình độ, khả năng cho đội ngũ cán bộ CĐ như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Trước hết, CĐ đã và đang rất tích cực nâng cao chất lượng thương lượng, để thay mặt NLĐ ký kết những bản thỏa ước lao động tập thể có lợi cho NLĐ hơn so với quy định pháp luật, có nhiều điểm có lợi cho NLĐ và nâng cao chất lượng bữa ăn ca. Nhiều nơi CĐ đã đưa nội dung bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới bữa ăn ca của NLĐ với chất lượng khá tốt; nhiều doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca cho công nhân đảm bảo ATVSTP…

Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp khác. bữa ăn ca của công nhân lại chưa đáp ứng nhu cầu; thiếu dinh dưỡng, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh... Để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí doanh nghiệp dành cho bữa ăn ca của NLĐ.

Đối với đội ngũ cán bộ CĐ cũng như hoạt động CĐ, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính của Tổng LĐLĐVN giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục đích của kế hoạch này là cụ thể hóa và nâng cao hoạt động cải cách hành chính trong tổ chức CĐ; tập trung tổ chức thực hiện về cải cách hành chính, tăng cường và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cấp CĐ, đặc biệt tại cơ quan CĐ các cấp nhằm xây dựng hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành, báo cáo thống nhất trong toàn hệ thống; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết thực, hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành và hoạt động của các cấp CĐ.

Các nhiệm vụ cải cách hành chính gồm: Cải cách trong việc tham gia xây dựng pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ và quy định của tổ chức CĐ; cải cách thủ tục hành chính; cải cách về tổ chức bộ máy CĐ các cấp; xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ CĐ các cấp; từng bước hiện đại hóa trong quản lý hành chính, thực thi công vụ… Khi kế hoạch này được thực hiện, bản thân mỗi cán bộ CĐ không chỉ trông chờ vào sự đào tạo của tổ chức mà luôn luôn phải tự học hỏi, nâng cao trình độ mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, mà yêu cầu cao nhất là phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở mọi loại hình kinh tế.

Tổng LĐLĐVN đang chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó chặt chẽ với CNLĐ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phải đổi mới mạnh mẽ để tổ chức CĐ thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.

Nguồn: laodong.com.vn, ngày 01/5/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi