Thứ Bảy, 21/12/2024
Cần quy định về việc công khai và minh bạch tài sản một cách thực chất
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nam Khánh)

Góp ý kiến vào Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần quy định về việc công khai và minh bạch tài sản thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản thu nhập một cách thực chất để xử lý đối với những trường hợp có hành vi tham nhũng.

Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội Lê Đức Bính, dự án Luật sửa đổi phải hướng tới quy định rõ hành vi tham nhũng để tham nhũng dễ nhìn, dễ phát hiện mới chống được tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có chế tài và làm triệt để việc thu hồi toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời cần quy định việc bồi thường thiệt hại do tham nhũng thì mới truy đến tận cùng, để không người nào dám tham nhũng.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) phải hướng vào thiết thực. “Chống ai”, “ai chống” phải rõ ràng, cụ thể đối tượng là những ai, vị trí nào có khả năng tham nhũng. Đặc biệt, các giải pháp phòng, chống tham nhũng cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhất là việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Viết Chức, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý, từ thực tế thời gian qua việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp, cần có cơ chế để kiểm soát việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập không trung thực. Cùng với đó phải có cơ chế quy định về việc xử lý tài sản thu nhập có dấu hiệu tham nhũng để tránh tẩu tán thu nhập và chạy trốn ra nước ngoài. Do đó, việc giữ nguyên hay mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là một nội dung cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá sao cho phù hợp với thực tế.

Về một số nội dung công tác phòng chống tham nhũng liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc dự thảo quy định “Hàng năm Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và tổ chức cá nhân khác xây dựng và công khai báo cáo phản biện xã hội đánh giá thực trạng tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng” là không có tính khả thi. Ông Khiển lý lẽ: “Mặt trận và các tổ chức, cá nhân khác phối hợp xây dựng báo cáo phản biện bằng phương thức nào khi dự thảo Luật không quy định các cơ quan nhà nước phải gửi báo cáo tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng đến các tổ chức mặt trận. Bên cạnh đó dự thảo Luật cũng không quy định rõ các tổ chức Mặt trận gửi báo cáo phản biện đến cơ quan nào, vào thời gian nào để tham khảo”.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng đề nghị dự thảo Luật cần quan tâm đến cơ chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng để bảo vệ một cách tốt nhất đối với những người tố cáo hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó phải có hình thức biểu dương, khen thưởng thích đáng đối với những người tố cáo đúng các hành vi tham nhũng…

Các ý kiến khác cũng cho rằng một số quy định tại Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) còn chưa đồng bộ và thống nhất về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và Tội lạm quyền trong thi hành công vụ…

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được nhân dân và các cấp các ngành rất quan tâm và cơ quan chủ trì soạn thảo đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự án Luật này để từng bước thể chế hóa bằng pháp luật công tác phòng chống tham nhũng. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, sau Hội nghị, Ban Thường trực Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp các ý kiến gửi đến cơ quan soạn thảo, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào kỳ họp tới…/.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 25/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất