Thứ Bảy, 11/1/2025
Xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các kiều bào. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) 

Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 70 đại biểu là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia, New Zealand, Singapore.., đại diện Ngân hàng Thế giới, Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và các Bộ, ngành có liên quan.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức và Cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng để thu hút và phát huy vai trò của mạng lưới chuyên gia khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài cần phải xác định được các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên cần thu hút chuyên gia; xây dựng tiêu chí của chuyên gia khoa học cần thu hút trong từng lĩnh vực.

Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đột phá, đồng bộ về lương, phụ cấp, các chính sách đãi ngộ cụ thể và tạo môi trường làm việc thuận lợi để trí thức khoa học và công nghệ khi trở về nước. Cùng với đó, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động trí thức người Việt ở nước ngoài, nhất là trí thức trẻ và đặc biệt lưu ý tranh thủ vận động, tiếp xúc những trí thức khoa học và công nghệ có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng động khoa học ở nước ngoài...

Đồng tình với ý kiến trên, theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia), để tạo điều kiện cho các nhà khoa học người Việt Nam về nước làm việc cần tập trung vào 5 mục tiêu chính. Đó là khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú; đảm bảo các nhà khoa học này có một sự nghiệp vững vàng; xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ; khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành, hoạt động sản xuất và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia; khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ty kỹ nghệ.

Theo thống kê, trong số gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trên 400 nghìn người có trình độ đại học trở lên. Nhiều người trong số họ là các chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực khác nhau đang làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các công ty quan trọng ở nước ngoài. Nhiều người được các nước tôn vinh vì sự cống hiến quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trung bình hàng năm có khoảng 200 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn chất xám rất đáng kể và quý báu của đất nước nếu được thu hút, phát huy thích đáng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.

Tại hội thảo, hơn 20 tham luận về các vấn đề có liên quan đến mạng lưới từ nhu cầu, tầm quan trọng đến thiết kế, tổ chức và vận hành có hiệu quả. Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối các nhà khoa học, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, những người bạn nước ngoài làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với thực tế cuộc sống trong nước.

Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra được những ý tưởng đầu tiên trong việc kết nối nguồn tri thức người Việt ở nước ngoài với cộng đồng và thực tế cuộc sống trong nước. Những ý kiến chia sẻ, đóng góp cùng các trao đổi thảo luận tại hội thảo sẽ là những căn cứ để các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút trí thức kiều bào, chuyên gia người Việt giỏi về nước làm việc.

Hội thảo nằm trong dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST”. Đây là dự án đầu tiên về khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua các chính sách nhằm huy động sức sáng tạo của cộng đồng các nhà khoa học và gắn kết nghiên cứu khoa học với thị trường. Dự án được thiết kế với triết lý doanh nghiệp là trung tâm, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước sẽ là các đối tác tin cậy và hiệu quả giúp các doanh nghiệp tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp./.

Nguồn: vietnamplus.vn/ Nguyễn Hoàng, ngày 24/6/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất