Thứ Sáu, 10/1/2025
"Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi"
Quang cảnh buổi thuyết trình. (Ảnh: Ngọc Mai/Vietnam+)

Tham dự sự kiện quan trọng này có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn, các cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cũng như một số phóng viên báo chí của Việt Nam và Séc.

Đoàn Học viện Ngoại giao Việt Nam do ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao làm Trưởng đoàn tham dự sự kiện. Bên cạnh đó còn có đông đảo bạn bè Séc quan tâm và yêu mến Việt Nam cũng tới tham dự buổi thuyết trình.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Trương Mạnh Sơn nêu rõ: “Hiện nay, Biển Đông nói chung, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.”

Đại sứ Trương Mạnh Sơn nhấn mạnh căn cứ vào các tài liệu, văn bản, bản đồ mang tính lịch sử và khoa học của quốc tế và thực tế quản lý của mình, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản thuyết trình chuyên đề “Biển Đông - Tự do giao thương hàng hải và hàng không quốc tế” do ông Trần Trường Thủy, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao, trình bày tập trung vào phân tích diễn biến tình hình trên Biển Đông thời gian gần đây cũng như cung cấp thêm thông tin cho cộng đồng người Việt Nam và công luận tại Séc về quan điểm, chính sách của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề tự do hàng hải, hàng không quốc tế trên Biển Đông; chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột vì mục đích gìn giữ hòa bình, đảm bảo an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực này.

Ông Trần Trường Thủy cũng nhắc lại những mục tiêu chính của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ quan hệ hòa bình, không xảy ra xung đột với các bên liên quan; đảm bảo được việc khai thác tài nguyên trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Buổi thuyết trình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Ông Nguyễn Quyết Tiến, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ Séc và là đồng tác giả bộ Từ điển Giáo khoa Séc-Việt, đánh giá buổi thuyết trình này đã đáp ứng được nhu cầu có thêm thông tin chính xác, cập nhật về diễn biến tình hình trên Biển Đông.

Ông cũng bày tỏ mong muốn cần tổ chức thêm những cuộc hội thảo tương tự không chỉ cho giới học giả Việt Nam và Séc, mà nên mở rộng ra cho cả cộng đồng người Việt Nam tại Séc để kiều bào ta hiểu rõ hơn lập trường, quan điểm của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông.

Nhiều câu hỏi từ phía đại diện Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, đại diện các tổ chức xã hội, công dân của Cộng hòa Séc có hoạt động đoàn kết, gắn bó với Việt Nam như Hội Séc-Việt, Câu lạc bộ Hà Nội, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Đại học Tổng hợp Charles (UK), các nhà Việt Nam học… xoay quanh diễn biến tình hình hiện nay trên Biển Đông đã chứng tỏ sự quan tâm và hiểu biết sâu sắc của công chúng Séc về vấn đề này.

Ông Pavel Pilny, một nhà báo Séc kỳ cựu, bày tỏ: “Tôi ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa với những căn cứ xác đáng nêu ra trong báo cáo chuyên đề này. Quan điểm của tôi là cần phải đàm phán hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp, không để xảy ra xung đột nghiêm trọng.”

Trước khi tới Cộng hòa Séc, đoàn công tác của Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng đã tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề “Biển Đông – Tự do giao thương hàng hải và hàng không quốc tế” tại Hungary và Ba Lan.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Trưởng đoàn, cho biết mục đích chính của hoạt động này là cung cấp thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở các nước cũng như cho người dân nước sở tại hiểu rõ hơn tình hình ở Biển Đông cũng như đường lối, chính sách của nhà nước ta trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước ở khu vực này, qua đó để kiều bào ta và người nước ngoài có tiếng nói và hành động ủng hộ tốt hơn đối với lợi ích của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế./.

Nguồn: TTXVN, ngày 5/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất