Thứ Hai, 18/11/2024
Tài liệu giới thiệu Luật Bảo hiểm xã hội

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT BHXH NĂM 2024

1. Về cơ sở chính trị

- Điều 34 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

- Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) (sau đây được viết là Nghị quyết số 28-NQ/TW), trong đó đặt ra mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra 11 nội dung cải cách [1], 05 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó xác định nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH”.

- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, như: Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững” [2]; “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH” [3]; “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và chế tài xử lý vi phạm thuộc các lĩnh vực liên quan như ... BHXH. Bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; từng bước tách việc điều chỉnh lương hưu với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 45%” [4].

2. Cơ sở thực tiễn

Qua 8 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: (i) diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng [5]; (ii) tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương [6]; (iii) chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; (iv) một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay...  

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên và để cụ thể hóa các quan điểm, định hướng đã được nêu tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT BHXH NĂM 2024

1. Mục tiêu

  - Bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, phát triển hệ thống BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH đối với toàn bộ lc lượng lao động.

  - Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 [7]; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

- Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

2. Quan điểm chỉ đạo

- Bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.

- Kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

- Xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

- Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có đặc điểm tương đồng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

III. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ BỐ CỤC CỦA LUẬT BHXH NĂM 2024

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật BHXH năm 2024 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với BHXH và tổ chức thực hiện BHXH; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH; các chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; quỹ BHXH; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH; quản lý nhà nước về BHXH.

Như vậy, về cơ bản [8] Luật BHXH năm 2024 không điều chỉnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm tiền gửi và các loại hình bảo hiểm mang tính kinh doanh.

2. Bố cục của Luật

Luật BHXH năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật BHXH năm 2014), cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung, gồm 9 điều (Từ Điều 1 đến Điều 9);

Chương II: Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về BHXH và Tổ chức thực hiện BHXH, gồm 11 điều (Từ Điều 10 đến Điều 20).

Chương III: Trợ cấp hưu trí xã hội, gồm 4 điều (Từ Điều 21 đến Điều 24).

Chương IV: Đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, gồm 17 điều chia thành 02 mục (Từ Điều 25 đến Điều 41).

Chương V: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm 52 điều chia thành 05 mục (Từ Điều 42 đến Điều 93).

Chương VI: Bảo hiểm xã hội tự nguyện, gồm 22 điều chia thành 03 mục (Từ Điều 94 đến Điều 115).

Chương VII: Quỹ bảo hiểm xã hội, gồm 8 điều chia thành 02 mục (Từ Điều 116 đến Điều 123).

Chương VIII: Bảo hiểm hưu trí bổ sung, gồm 4 điều (Từ Điều 124 đến Điều 127).

Chương IX: Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH, gồm 5  điều (Từ Điều 128 đến Điều 132).

Chương X: Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, gồm 6 điều (Từ Điều 133 đến Điều 138).

Chương XI. Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (Từ Điều 139 đến Điều 141).

Luật BHXH năm 2024 kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, bổ sung 03 nội dung mới (Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng BHXH; Đầu tư quỹ BHXH); bỏ mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động); bổ sung một chương về bảo hiểm hưu trí bổ sung, một chương về quản lý nhà nước về BHXH; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ.

IV. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BHXH NĂM 2024

Một số điểm mới trọng tâm của Luật BHXH năm 2024 bao gồm:

1. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng [9]

Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật BHXH năm 2024 là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi, trong đó quy định:

(i) Độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thấp hơn 5 tuổi so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi hiện hành, cụ thể:

Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi mà không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

(ii) Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

(iii) Người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội vừa thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.

(iv) Được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế khi đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

(v) Xem xét điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

2. Bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản

Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, cụ thể:

(i) Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động được tính để hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn.

Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH không đủ để người lao động hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng một lần cho phần còn thiếu để hưởng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

(ii) Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.

(iii) Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.

3. Mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Luật BHXH năm 2024 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động [10], điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.

4. Bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.

5. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con ngoài chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH năm 2024 vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

6. Gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (những người 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

7. Bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần

Luật BHXH năm 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH;

(ii) Ra nước ngoài để định cư;

(iii) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;

(iv) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

(v) Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm;

(vi) Đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: (i) Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn do các chế độ đều tính theo thời gian đóng (ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,..); (ii) Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; (iii) Trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế; (iv) Được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (v) Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, người lao động còn có cơ hội được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng BHXH mà bị mất việc làm.

8. Đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua việc quy định linh hoạt hơn về đóng - hưởng, bổ sung quy định trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia BHXH của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động khi đủ điều kiện có cơ hội được hưởng đồng thời chế độ hưu trí ở cả Việt Nam và nước mà Việt Nam có ký Điều ước quốc tế về BHXH.

9. Nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHXH thông qua việc mở rộng danh mục và phương thức đầu tư quỹ BHXH như: (i) Đầu tư quỹ BHXH tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ; (ii) Ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, (iii) bổ sung quy định quản lý hoạt động đầu tư quỹ BHXH; (iv) bổ sung quy định việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH; (v) kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản lý BHXH; (vi) quy định rõ hơn các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về tài chính BHXH, tài chính quỹ BHXH.

10. Bổ sung 01 chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

11. Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”:   Luật BHXH năm 2024 đã quy định “mức tham chiếu” dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH và do Chính phủ quyết định. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật BHXH năm 2024 bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm đó. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024 cũng quy định giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.

12. Tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bằng việc dành riêng 01 chương để quy định quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH và các cơ quan có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc. Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương.

13. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH thông qua việc bổ sung quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH; bổ sung quy định về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH.

14. Sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động: Luật BHXH năm 2024 đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể là:

(i) Bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày;

(ii) Người lao động được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

(iii) Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thống nhất tính theo năm;

(iv) Bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh;

(v) Quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con;

(vi) Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết;

(vii) Người lao động được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

(viii) Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

(ix) Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.

(x) Sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.

(xi) Sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc một lần theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động, không phân biệt trường hợp nào; khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.

V. CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN LUẬT

1. Về nhân lực

Luật BHXH năm 2024 về cơ bản không yêu cầu tăng thêm nhân lực để triển khai thực hiện chính sách BHXH khi luật có hiệu lực thi hành:

- Việc triển khai thực hiện chế độ BHXH (bao gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người đủ tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu) vẫn được thực hiện bởi cơ quan BHXH, không cần tăng thêm nguồn nhân lực.

- Việc triển khai thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội do các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi.

2. Về kinh phí

- Kinh phí chi cho đối tượng: về cơ bản được bảo đảm từ quỹ BHXH, trừ một số chế độ, chính sách được bảo đảm từ ngân sách nhà nước (chế độ trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện, trợ cấp hưu trí xã hội) đã được đánh giá tác động và dự kiến cụ thể kinh phí tăng thêm trong quá trình xây dựng luật.

Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

- Kinh phí cho bộ máy quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện: Từ chi tổ chức và hoạt động BHXH để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan BHXH và từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các bộ, ngành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHXH.

VI. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT

Luật BHXH năm 2024 được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH , hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Chính vì vậy, khi thực hiện Luật BHXH năm 2024 dự báo tác động đến người dân và xã hội cụ thể:

1. Nhiều người lao động hơn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.

2. Nhiều người lao động hơn được hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp hằng tháng, có nguồn thu nhập ổn định, được bảo đảm bảo hiểm y tế khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).

3. Nhiều người cao tuổi hơn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được bảo đảm bảo hiểm y tế.

4. Người lao động tham gia BHXH được bảo đảm tốt hơn quyền lợi khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

5. Người sử dụng lao động được thuận lợi, dễ dàng hơn khi tham gia và thực hiện các trách nhiệm của mình.

Luật BHXH năm 2024 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi tham gia trong lĩnh vực BHXH, nhất là trong việc tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

VII. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT

1. Về ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Theo dự kiến để quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật BHXH năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành 11 Nghị định, các bộ ban hành 03 Thông tư. Cụ thể như sau:

(1) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc.

(2) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện.

(3) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ).

(4) Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

(5) Nghị định quy định trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý BHXH.

(6) Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

(7) Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về BHXH và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.

(8) Nghị định quy định về hoạt động đầu tư quỹ BHXH.

(9) Nghị định quy định cơ chế tài chính về BHXH, chi tổ chức và hoạt động BHXH.

(10) Nghị định quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

(11) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

(12) Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc.

(13) Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện.

(14) Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật BHXH thuộc lĩnh vực quản lý để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm sự phù hợp và kịp thời triển khai khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành.

2. Tổ chức quán triệt, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân

Triển khai Luật BHXH năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của người dân, doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện những công việc sau:

- Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật BHXH năm 2024 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.

- Tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu Luật BHXH năm 2024; quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của Luật BHXH năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

- Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nội dung của Luật BHXH năm 2024 cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông các chính sách và những thay đổi lớn của Luật BHXH năm 2024.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của Luật BHXH năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành góp phần triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Luật BHXH năm 2024./.


[1] Bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; (2) Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; (3) Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; (4) Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH; (5) Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; (6) Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; (7) Thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; (8) Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; (9) Điều chỉnh tỉ lệ tích luỹ để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; (10) Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (11) Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

[2] Tập I, trang 150, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;  

[3] Tập I, trang 270, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

[4] Tập II, trang 141, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

[5] Số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

[6] Số chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2021 bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm.

[7] Ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.

[8] Trừ một số nội dung liên quan đến cơ quan BHXH, Hội đồng quản lý BHXH,..

[9] Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm: trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân.

[10] Do tác động của sự phát triển của khoa học, công nghệ, trên thế giới và cả Việt Nam đã, đang và sẽ xuất hiện các mô hình kinh tế mới. Điển hình nhất tại Việt Nam là mô hình kinh tế tự do (Gig); ngoài ra còn có thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… Từ những mô hình mới này sẽ xuất hiện những nhóm người lao động mới trong xã hội, không nằm trong khuôn mẫu người lao động truyền thống.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất