Thứ Năm, 16/1/2025
Cần nhiều biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng
 
Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
 Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: ANH TUẤN 


Chung quanh quy định về tài sản bất minh

Tại hội trường, buổi sáng, phần lớn ý kiến của đại biểu tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), theo đó cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi để triển khai thuận lợi, với phương châm "phòng" là chính, nhưng "chống" là rất quan trọng và cấp thiết. Nhiều đại biểu đặt vấn đề về thu hồi tài sản bất minh được nêu trong dự thảo luật. Ðại biểu Nguyễn Bá Sơn (Ðà Nẵng) đặt vấn đề đối với trường hợp sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp, như vậy được xem là tài sản bất minh hay không? Theo đại biểu, đây là vấn đề cốt tử của PCTN, vì chỉ khi "trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng, kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản thì mới chống được tham nhũng".

Ðại biểu Nguyễn Bá Sơn và một số đại biểu khác cho rằng, đối tượng là quan chức phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc tài sản của mình hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước sẽ tịch thu. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vụ án hình sự, còn trong phạm vi của Luật PCTN thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản phải là chủ sở hữu tài sản, nếu không chứng minh được thì nhà nước sẽ thu hồi.

Về nội dung này, các đại biểu: Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiến pháp năm 2013 chỉ công nhận quyền sở hữu tài sản hợp pháp, cho nên việc thu hồi tài sản bất minh không trái Hiến pháp. Một số nước cũng đã có quy định thu hồi tài sản bất minh không cần thông qua tòa án. Nội dung sửa đổi sửa luật lần này cần quy định rõ cơ chế thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc và giao Thanh tra Chính phủ thực hiện. Cho rằng pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản khi không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) nêu, tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, "độ ẩn" của tội phạm là rất cao, do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được. Do đó, cần quy định về việc xử lý tài sản bất minh của quan chức để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản.

Góp phần lành mạnh môi trường kinh doanh

Về phạm vi điều chỉnh của luật, nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật với khu vực ngoài nhà nước (KVNNN) để bảo đảm tính toàn diện của công tác PCTN, đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp quan điểm chỉ đạo của Ðảng, các cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chưa nên mở rộng phạm vi ra ngoài khu vực Nhà nước, mà cần tập trung làm tốt công tác PCTN hiện nay trong khu vực công.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) cho rằng dự thảo luật nên mở rộng phạm vi điều chỉnh ra KVNNN. Theo đó, định nghĩa tại khoản 2 Ðiều 1 nêu tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Vì thế cần phải chú ý yếu tố người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng quyền lực của mình để thu lại lợi ích bất chính. Yếu tố người có chức vụ theo quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, như vậy, luật quy định chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn không chỉ hạn chế trong khu vực nhà nước, mà đã mở rộng ra KVNNN, được cụ thể hóa về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và đưa hối lộ...

Cho ý kiến về các quy định nêu trong dự thảo luật, các đại biểu: Ðỗ Văn Bình (Hải Phòng), Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương), Trần Tất Thế (Hà Nam) và một số đại biểu khác bày tỏ nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra KVNNN. Bởi, thực tế tình hình tham nhũng trong KVNNN xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát. Có thể thấy rõ trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để "lại quả" bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp. Do sự gắn kết giữa hai khu vực này, nếu chỉ tập trung PCTN ở khu vực nhà nước mà chưa tập trung chống tham nhũng ở KVNNN thì công tác PCTN ngay ở trong khu vực nhà nước cũng khó đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về PCTN trong KVNNN để tránh lạm quyền, tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ.

Ðề cập tội tham nhũng là tội phạm đặc biệt, có chủ thể đặc biệt, trong phần ý kiến tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra KVNNN chưa mang tính khả thi. Bởi, một mặt phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng, như thế là mâu thuẫn. Ðại biểu đề nghị cân nhắc quy định mở rộng này.

Về tiến độ thông qua dự án luật, nhiều đại biểu QH cho rằng đây là dự án luật có rất nhiều quy định bổ sung và còn nhiều vấn đề chưa được sửa đổi triệt để. Do vậy, đề nghị QH cho thảo luận và thông qua dự án này tại ba kỳ họp. Tại hội trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu. Các ý kiến của đại biểu QH nêu sẽ được ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, xem xét trong quá trình xây dựng dự án luật.

Cũng trong chiều qua, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài với 446 đại biểu tán thành, bằng 90,84% tổng số đại biểu.

Tiếp theo, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; QH biểu quyết thông qua Nghị quyết với 438 đại biểu tán thành, bằng 89,21% tổng số đại biểu.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), QH đã biểu quyết thông qua luật này với 437 đại biểu tán thành, bằng 89% tổng số đại biểu.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 22/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi