Thứ Năm, 16/1/2025
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Đủ sức đẩy lùi tham nhũng, lãng phí?
Tại Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức mới đây, có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tham chiếu đầy đủ các luật liên quan đến tài sản công để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật. Đặc biệt, cần có các quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công; các biện pháp cụ thể có thể ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí tài sản công, vốn đang gây bức xúc trong xã hội.

Bảo đảm thống nhất

 Hiện nay, cử tri, xã hội rất bức xúc về vấn đề quản lý tài sản công. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu Bộ Công an rà soát, thu hồi 516 biển số xe 80A, 80B cấp cho doanh nghiệp. Tình trạng lãng phí tài sản công, mọi người trong xã hội đều có thể cảm nhận thấy. Lẽ ra, nhìn vào Luật chúng ta phải thấy được những biện pháp cụ thể, nhưng những quy định trong Dự Luật dường như vẫn là những khẩu hiệu, những định hướng chung chung từ các nghị quyết, chưa có những đột phá đủ sức đẩy lùi tham nhũng, lãng phí tài sản công.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, GS.TS Lê Hồng Hạnh, chuyên gia lập pháp thẳng thắn nêu quan điểm, Dự thảo Luật còn yếu về mặt lập pháp. Dự thảo dường như thiếu sự tham chiếu với các luật hiện hành, tạo ra những khái niệm không rõ nghĩa, xung đột với các luật khác. Ví dụ, khái niệm tài sản, Bộ luật Dân sự 2005 và 2015 quy định rất rõ, khái quát; trong khi đó, định nghĩa tài sản công trong dự Luật liệt kê “tù mù”, không mang tính bao quát. Thực tế, nhà nước còn rất nhiều tài sản hữu hình, tài sản vô hình khác như quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng kiến, công nghệ do Nhà nước đầu tư, quyền thương mại... nhưng chưa được đưa vào luật.

Mặt khác, theo GS.TS. Lê Hồng Hạnh, nội dung dự thảo Luật còn quá xa so với yêu cầu thực tế hiện nay. Tài sản công bị tham nhũng, lãng phí diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp độ, bất chấp các quy định của pháp luật. Mục tiêu của Luật khi ban hành là để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí tài sản công. Để dự thảo Luật mang tính khả thi, đáp ứng được mục tiêu này, phải hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Về định nghĩa tài sản công, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Vũ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tài sản công với tài sản là vàng, bởi vàng đang được phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ cho dự trữ quốc gia. Đây cũng là quan điểm của Luật sư Tô Thị Thanh Hương (Hội Luật gia TP Hà Nội). Luật sư đề nghị bổ sung tài sản công dự trữ nhà nước là vàng và tài sản vô hình là quyền thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản vô hình khác, bởi đây là tài sản công hữu hình và vô hình không thể thiếu.

Tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật, Phó Trưởng ban Dân chủ Pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Xuân Liêm cho rằng, quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công trong dự thảo Luật “bảo đảm bù đắp chi phí” vô hình trung sẽ gây lãng phí nguồn lực tài chính của Nhà nước, không bảo đảm hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh đối với thành phần kinh tế quốc doanh. Ông Nguyễn Xuân Liêm đề nghị sửa thành “việc sử dụng, khai thác các tài sản công với mục đích sản xuất kinh doanh phải bảo đảm có lãi”.

Quy định cụ thể hình thức giám sát của cộng đồng

Ông Phạm Công Bình, đại diện Sở Tài chính Hà Nội đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ số tiền thu được từ xử lý tài sản công sau khi trừ đi các chi phí có liên quan sẽ được sử dụng như thế nào. Về quy định đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, đại diện Sở Tài chính đề nghị quy định rõ điều kiện được huy động vốn, nghĩa vụ trả nợ, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn, tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Mặt khác, cần quy định chi tiết và cụ thể hơn về quyền hạn và trách nhiệm, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện giám sát cộng đồng đối với tài sản công một cách hiệu quả, chính xác, Luật sư Tô Thị Thanh Hương cho rằng, cùng với việc nhà nước xây dựng một hệ thống thông tin đầy đủ về tài sản công như trong dự Luật, phải tạo điều kiện cho công dân và các tổ chức có thể tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác các thông tin đó theo hướng chỉ cần “nhấp chuột” là có thể nhận được kết quả đang cần.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh đánh giá, dự thảo Luật chưa tạo ra được các quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Luật cần phải có các quy định tạo ra cơ chế thực hiện, làm thế nào để người dân có thể giám sát được việc quản lý, sử dụng tài sản công, giám sát được hoạt động của các tổ chức, cá nhân đang triển khai các hoạt động đầu tư liên quan đến tài sản công. Luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm, thời hiệu cụ thể để thực hiện các trách nhiệm đó. Luật chưa có các dấu ấn, quy định đột phá để chúng ta có thể đẩy lùi, tiến tới ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, lãng phí tài sản nhà nước.

Từ những nhận định của mình, GS.TS. Lê Hồng Hạnh đề nghị Đoàn ĐBQH TP kiến nghị Ban soạn thảo phải tham chiếu đầy đủ các luật hiện hành liên quan đến tài sản công, bao gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ... để các quy định trong luật này không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật.

Nguồn: daibieunhandan.vn, 31/3/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi