Thứ Sáu, 17/1/2025
Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả

 Có nên mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước?

Đa số đại biểu nhất trí với phương án 1 và cũng là phương án Chính phủ lựa chọn: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo Luật).

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nhìn nhận, thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng... Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp. Nếu quy định xử phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm như phương án 2 đối với loại tài sản được hình thành sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và có xử phạt nếu đó không phải là tài sản phạm tội mà có.

Để không lọt tội phạm, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan, đại biểu đề nghị Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định thêm trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản có giá trị lớn và có dấu hiệu phạm tội mà có.

Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, phòng, chống tham nhũng có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để tham nhũng nếu lòng tham không tự từ bỏ. Nhiều quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới mặc dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp, trong khi có những quốc gia không ban hành riêng Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng lại đạt hiệu quả và được xếp hạng cao trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công đó chính là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công, công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng khi còn đang trên ghế nhà trường.

Nhấn mạnh con người mới là yếu tố quyết định sự thành công, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân để giảng dạy tại các trường trung học phổ thông nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước, tương lai của dân tộc, giáo dục để con người không muốn tham nhũng khi có cơ hội tham nhũng.

Trong khi nhiều ý kiến tán thành với phương án 1, cũng có ý kiến nghiêng về phương án 2. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc thì nhà nước sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch. Tuy nhiên, hành vi đó rất đa dạng, trong những tình huống khác nhau thì mức độ lỗi sẽ khác nhau, vì vậy, việc ấn định một mức xử phạt cho mọi mức độ vi phạm là trái với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đại biểu tán thành với một phần phương án 2 của dự thảo luật và đề nghị quy định xử lý theo trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp. Theo đó, sau khi kết luận tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án quyết định việc xử lý tài sản theo hình thức xử phạt và mức độ xử phạt tương ứng từng nguồn gốc tài sản.

Sau đó, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hạn chế trong thời gian qua trong việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập xuất phát từ một trong những nguyên nhân là chưa có phương án xử lý đối với tài sản, thu nhập; kể cả người kê khai và cơ quan có thẩm quyền đều không có bằng chứng về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thu nhập. Xuất phát từ tình trạng trên, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án như trong dự thảo đã trình Quốc hội và lựa chọn phương án 1, bởi giúp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng khi chuyển các vụ việc có liên quan đến xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý vào diện được theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra hoặc chuyển sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật...

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về phương án xử lý tài sản thu nhập với mức thuế 45% và đề xuất một số phương án xử lý tài sản thu nhập khác. Theo đó, cần làm rõ một số khái niệm về tài sản thu nhập bất minh, bất hợp pháp, tài sản thu nhập chưa giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc để có giải pháp xử lý khả thi, phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình làm rõ để hoàn thiện dự án luật nhằm có phương án xử lý tài sản thu nhập phù hợp với pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

THẢO NGUYÊN/Báo Quân đội Nhân dân điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất