Thứ Sáu, 15/11/2024
Trường Sa – vững vàng nơi đầu sóng

Đây là lần đầu tiên Ban Dân vận TW tổ chức một đoàn công tác của ngành với 51 cán bộ, chuyên viên đại diện của Ban Dân vận TW, lãnh đạo một số Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, đảng ủy và bộ, ngành TW. Với hành trình dài hơn 1.285 hải lý (trên 2.300km) đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - nơi tuyến đầu của Tổ quốc trong những ngày tháng 5 sôi động là niềm vui, vinh dự, tự hào, cùng những kỷ niệm về nơi lần đầu đặt chân tới...

 
Đoàn công tác của Ban Dân vận TW chụp ảnh lưu niệm
tại Bia chủ quyền trên thị trấn đảo Trường Sa

996 - CẦU NỐI ĐẤT LIỀN VỚI BIỂN, ĐẢO

Con tàu màu trắng mang số hiệu 996 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi rời quân cảng Cát Lái để bắt đầu hành trình sau 3 hồi còi dài. Ngay sau khi thu xếp ổn định nơi ăn nghỉ, Trưởng đoàn công tác và các thành viên trong đoàn đã chủ động thăm hỏi, giao lưu với các đơn vị khác và cán bộ, chiến sỹ trên tàu 996. Đặc biệt, chị em phụ nữ trong đoàn công tác của Ban Dân vận đã xuống khu vực nhà bếp, giúp đỡ tổ hậu cần chuẩn bị cơm trưa. Ngay sau đó “điểm sáng dân vận” này được nhân rộng, các thành viên nữ trong các đoàn ngoài giờ lên đảo, nghỉ ngơi đều phân chia nhau dành thời gian xuống bếp giúp chuẩn bị bữa ăn cho hơn 200 người trên tàu trong suốt chuyến đi…

Thuyền trưởng 996, thiếu tá Lê Minh Phúc, sinh năm 1978, mới về phụ trách tàu 996 nhưng đã có 20 năm đi biển, gắn bó với nhiều vùng biển đảo của Tổ quốc. Lê Minh Phúc nguyên là thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN22 đã có nhiều thành tích khi tham gia chiến dịch đẩy đuổi giàn khoan Hải dương HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép, xâm phạm chủ quyền, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta năm 2014. Chính trị viên và 3 thuyền phó của 996 thuộc thế hệ “8x”, còn trẻ nhưng đều có nhiều kinh nghiệm đi biển, đảo. Ngoài ca trực trên tàu, các thuyền phó là người lái ca nô kéo xuồng theo luồng lạch, cùng thủy thủ tàu đưa hơn 2.500 lượt người, hàng hóa của đoàn công tác số 13 lên các đảo, nhà giàn và trở về tàu an toàn.

 
 Xuồng đưa đoàn công tác lên đảo An Bang

Đi cùng đoàn trên tàu 996 còn có những lãnh đạo của quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, Vùng 2 Hải quân, các Lữ đoàn 146, 167... Đều là những người có thâm niên hàng chục năm đi biển, ở các vùng biển đảo, đã đi về Trường Sa và nhà giàn DK1 hàng trăm lượt. Với bề dày kinh nghiệm, các cán bộ, chiến sỹ Hải quân trên tàu 996 đã hướng dẫn, hỗ trợ, chăm sóc nhiệt tình để đoàn công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ.

THÀNH ĐỒNG CỦA TỔ QUÓC

Trong 10 ngày của chuyến đi, đoàn đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại 12 đảo, điểm đảo và nhà giàn, gồm các đảo: Trường Sa, Đá Lát, Đá Đông (A, B, C), Phan Vinh (A, B), Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài (B), An Bang và nhà giàn DK 1/21. Đoàn công tác đã được nghe lãnh đạo, chỉ huy trên các đảo, nhà giàn DK 1/21 báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; nắm tình hình tư tưởng, thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt; tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng khác làm nhiệm vụ tại đây. Cấp ủy, chỉ huy các đảo và nhà giàn đã thường xuyên quan tâm cả về đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; lực lượng trên các đảo, Nhà giàn đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh tăng gia rau xanh, khai thác đánh bắt hải sản, tiết kiệm nước ngọt để đáp ứng đời sống của bộ đội và bảo đảm lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu. Các cán bộ, chiến sỹ cũng đã làm tốt công tác dân vận, giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng khác trên đảo với nhân dân và ngư dân đánh bắt thủy hải sản trong khu vực... Với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, các đơn vị thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ tinh thần yêu biển, đảo; qua đó xây dựng cho mỗi người lính bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. 100% cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên các đảo, nhà giàn an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và quân đội; tích cực rèn luyện, lao động, sản xuất; cùng với ngư dân, các lực lượng trên đảo luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình an ninh biển Đông hết sức phức tạp hiện nay, được thấy ý chí quyết tâm của quân và dân nơi biển đảo xa xôi, nơi tuyến đầu của đất nước trong đoàn ai cũng xúc động. Đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Trưởng đoàn công tác sau khi nghe báo cáo, biểu dương, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo tâm sự: Chúng tôi đi tìm hiểu, động viên, thăm hỏi các đồng chí nhưng được tận mắt chứng kiến tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh của quân, dân trên các đảo và nhà giàn, mỗi thành viên trong đoàn đã học tập được rất nhiều, trở về với đất liền, với công việc chúng tôi sẽ có ý thức, trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, đền đáp một phần công lao của các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân nơi đây.

Đi thăm các đảo, thỉnh thoảng lại gặp cảnh tay bắt mặt mừng, nhận đồng hương. Tưởng rằng chỉ có người vùng biển mới được chọn ra đảo, nhưng khi hỏi ra mới biết lính Trường Sa đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, nhiều người trước khi đi bộ đội, ra đảo chưa thấy biển bao giờ. Chúng tôi cũng gặp nhiều chiến sỹ gương mặt trẻ măng, tuổi đời mười chín, đôi mươi nhưng đã đen giòn màu nắng gió. Ở Trường Sa, chúng tôi được nghe kể về nhiều gia đình, nhiều thế hệ, từ anh em, cha con đã nối tiếp truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam gìn giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiêu biểu như Thượng tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa có con trai là Phạm Hồng Vương, sinh năm 1995, mới được cử ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ từ đầu năm 2015…

Trong đêm giao lưu văn nghệ tại thị trấn Trường Sa, tất cả lặng người xúc động khi được nghe các em thiếu nhi trên đảo đồng thanh đọc bài thơ Quê em ở Trường Sa của Đoàn Thị Ngọc: “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm đảo nổi - Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la - Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển... Tự hào em kể quê em ở Trường Sa”. Với tình cảm yêu quý, tự hào về biển đảo ngay từ bé, được giáo dục, hướng dẫn bài bản, chắc chắn những thế hệ sinh ra, lớn lên nơi đây sẽ tiếp tục gắn bó, xây dựng để huyện đảo Trường Sa ngày càng lớn mạnh, trù phú hơn.

Ban đêm tàu đi qua các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, ánh đèn điện sáng bừng giữa biển, sóng điện thoại Viettel phủ ở 100% điểm đảo và nhà giàn DK1. Từ những quan tâm đầu tư, giúp đỡ của đất liền và chính bàn tay lao động, sản xuất  của các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân nơi biển, đảo này mà cơ sở vật chất hạ tầng các đảo, nhà giàn đã khang trang hơn. Đảo nổi có nhà cao tầng che chắn giúp cây cối không bị gió táp đã cao lớn hơn, đem lại bóng mát và giữ nước ngọt. Rau xanh trồng ở nhiều nơi, các đàn gia súc, gia cầm như bò, lợn, gà, vịt biển, chó… được chăm sóc, thích nghi đã phát triển nhanh chóng; những chú chó ở nhiều đảo chìm còn đông hơn cả người, vừa làm bạn với chiến sỹ vừa canh giữ biển đảo trước kẻ thù. Sự chính quy, nền nếp hiện diện ở những doanh trại, trên nhà giàn; trang nghiêm tĩnh lặng nơi cửa chùa và ấm áp trong mỗi gia đình người dân trên đảo là những cố gắng, hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp nối dựng xây.

NHỮNG CỘT MỐC CHỦ QUYỀN GIỮA BIỂN KHƠI

Đi đến các đảo ở Trường Sa hay nhà giàn DK1, niềm vui là thường xuyên thấy những con thuyền đánh bắt cá treo cờ Việt Nam đang làm nghề biển hay neo đậu gần các đảo. Trong suốt chuyến đi, đoàn công tác cũng được tới thăm nhiều nhà tạm tránh, trú bão, nơi tiếp dân... trên các điểm đảo, tất cả đều được xây dựng kiên cố với nhiều tiện nghi sinh hoạt. Các đồng chí lãnh đạo đoàn công tác đã đi ca nô ra tận nơi thăm, động viên, tặng quà cho 3 thuyền ngư dân đang neo đậu tại đảo Trường Sa và Đá Lát. 

Trên tàu BĐ 91377TS, đang neo gần đảo Trường Sa, thuyền trưởng Trương Hoài Liêu, quê Bình Định tâm sự: “Trường Sa là ngư trường truyền thống của tàu, khi đánh bắt cá mùa bão thì thường chạy lấn vào các đảo ở Trường Sa để tránh gió bão, chúng tôi rất yên tâm vì luôn có sự sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ của quân, dân Trường Sa”.

Trung tá Đoàn Huy Toàn, trợ lý dân vận Lữ đoàn 146 cho biết: theo thống kê trên các đảo ở Trường Sa, cả năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, đã khám, cấp thuốc cho 1.664 ngư dân; cấp cứu 59 ngư dân gặp bệnh hiểm nghèo; giúp đỡ cứu nạn cho 1 tàu cá Philippin và 6 thuyền viên; trục vớt 1 tàu mắc cạn, sửa chữa 29 tàu cá; bán hỗ trợ hơn 13 nghìn lít dầu; cấp 62mnước ngọt cho ngư dân; tổng chi phí phát thuốc, hỗ trợ ngày ăn cho dân trên đảo hàng trăm triệu đồng...

                                                                                                                                                                                                         

Trong chuyến đi, Đoàn công tác số 13 đã trao tặng nhiều phần quà, tiền mặt có tổng giá trị: 2,8 tỷ đồng. Trong đó đoàn Ban Dân vận Trung ương vận động đóng góp  được gần 1,5 tỷ đồng (quà tặng bằng hiện vật và tiền mặt gần 900 triệu đồng và gần 600 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu).


 
 
 
 
 
 
 
 
Vùng biển Trường Sa giàu tài nguyên thủy hải sản là ngư trường chính của ngư dân các tỉnh miền Trung và duyên hải Đông Nam bộ. Để giúp ngư dân vươn khơi xa phát triển kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền trên thực tế, thị trấn Trường Sa nói riêng và các xã đảo, đảo nổi lớn trên quần đảo Trường Sa đều có trạm xá trang bị hiện đại có thể cứu chữa nhiều loại bệnh, tai nạn trên biển. Vào mùa mưa bão, các đảo đều có lực lượng, tàu thuyền ứng trực sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân và bộ đội. Trên các đảo của quần đảo Trường Sa đã xây dựng nhiều điểm cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá như: nước ngọt, lương thực, nhiên liệu và sửa chữa tàu thuyền, có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tạo điều kiện để ngư dân bám biển, phát triển kinh tế, cùng quân, dân và các lực lượng trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; đây cũng chính là những cột mốc di động khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển.

VÌ TUYẾN ĐẦU TỔ QUỐC

Suốt cuộc hành trình, Đoàn công tác số 13 có nhiều hoạt động tập thể như: Dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắp hương tại Chùa Trường Sa và mộ liệt sỹ ở Trường Sa; chào cờ duyệt đội ngũ, thăm hỏi, động viên lãnh đạo chính quyền và các hộ dân của thị trấn Trường Sa; thắp hương tại chùa Vinh Phúc và dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh trên đảo Phan Vinh; tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...

Thành viên trong đoàn cũng không quên những lúc gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Hình ảnh con tàu đi giữa những giàn khoan dầu khí rực sáng trên biển, đi bên dãy san hô dài hàng chục hải lý của các đảo chìm, đảo nổi; từng đàn cá heo tự do bơi theo tàu, cảnh bình minh và hoàng hôn trên biển; hay chỉ đơn giản là lúc lên xuống xuồng ra vào đảo, nhà giàn DK1... sẽ là những kỷ niệm không thể quên. Trước biển đảo hùng vĩ của quê hương, trước những đóng góp, hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam vì độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo thiêng của đất nước, mỗi thành viên trong đoàn công tác luôn ý thức về trách nhiệm, bổn phận của mình, nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó./.

Thanh Nam

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất