Thứ Ba, 17/12/2024
Giao ban công tác dân vận khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm 2016

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Ngô Thị Doãn Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Hà Ngọc Anh cùng các đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị và cán bộ, chuyên viên Vụ Đoàn thể nhân dân.

Đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Long Hải, Bí thư BCH Trung ương Đoàn.

 
Quang cảnh Hội nghị

Những kết quả đạt được

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả công tác dân vận của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2016.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực công tác. Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều khởi sắc, diễn ra sôi nổi, rộng khắp với nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, đổi mới. Công tác truyền truyền, vận động có sự đổi mới, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, định hướng dư luận và kịp thời phản ánh thông tin hai chiều đến với các tầng lớp nhân dân. Công tác vận động, phát huy tinh thần sáng tạo và ý thức tự quản trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh được triển khai thiết thực, hiệu quả ở nhiều địa phương, cơ sở. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác tham mưu xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được triển khai có hiệu quả. Các chương trình giám sát được chú trọng triển khai, hoạt động phản biện xã hội đã thu được những kết quả ban đầu tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội.

Hệ thống tổ chức, bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Cụ thể, MTTQ Việt Nam đã vận động ủng hộ ”Quỹ vì người nghèo” ở 3 cấp 293,878 tỷ đồng, ủng hộ chương trình an sinh xã hội 625,738 tỷ đồng và từ các nguồn lực vận động, hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng nghìn căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp đỡ các gia đình khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ học tập cho trẻ em nghèo, khám chữa bệnh, xây dựng các công trình dân sinh... Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên phối hợp tổ chức đối thoại với người lao động, kịp thời giải quyết những bức xúc nảy sinh trong quan hệ lao động, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định việc làm, thu nhập, đời sống người lao động... Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho các hội nghèo và các đối tượng chính sách. Các cấp Hội đang quản lý 62.986 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.221.392 thành viên; dư nợ là 47.197 tỷ đồng tăng 807 tỷ đồng so với ngày 31/12/2015.

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, hướng về biển đảo; các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ gặp khó khăn: thăm, tặng quà tại 16 huyện, 17 xã, 9 đồn biên phòng tại 16 tỉnh, các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, phụ nữ nghèo 320 suất quà trị giá trên 360 triệu đồng; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho phụ nữ, gia đình bị ảnh hưởng do cá chết, hạn hán, xâm nhập mặt trên 01 tỷ đồng. Hội CCB Việt Nam đã có 27 tỉnh, thành Hội thành lập Hội, CLB doanh nhân CCB; toàn Hội có 6.417 doanh nghiệp (tăng 195 doanh nghiệp so với 2015); 1.369 HTX, 2.475 Tổ hợp tác và 71.802 trang trại thu hút 456.549 lao động. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có 271 công trình thanh niên cấp tỉnh, 14.615 công trình thanh niên cấp huyện được thực hiện với tổng giá trị làm lợi gần 498 tỷ đồng; 50.066 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở được thực hiện với tổng giá trị làm lợi 147 tỷ đồng…

Một số vấn đề còn băn khoăn, tồn tại

Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, 6 tháng qua, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, vãn còn một số vấn đề kinh tế, xã hội gây băn khoăn, búc xúc trong nhân dân, cần được các cấp, các ngành tập trung giải quyết như: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại các địa phương. Tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống nông dân. Đặc biệt, nhân dân bất bình trước các hoạt động trái phép của Trung Quốc trên khu vực quần đảo Trường Sa, Trường Sa của Việt Nam…

 

 Đồng chí Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương
Hội Nông dân Việt Nam
phát biểu tại Hội nghị


Dưới sự điều hành của chủ trì Hội nghị, các đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đã thảo luận tập trung đánh giá tác động của tình hình kinh tế - xã hội đến các tổ chức, đoàn viên, hội viên trong 6 tháng vừa qua trong đó có vấn đề tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường.

Theo đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, về lâu dài, Nhà nước cần sớm có giải pháp kịp thời khắc phục sự cố môi trường, hỗ trợ bà con ngư dân chuyển nghề, xác định rõ khu vực biển ngư dân có thể khai thác đánh bắt các hải sản an toàn. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh với các cán bộ liên quan đến quá trình quản lý, giám sát hoạt động của Formosa. Còn theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyện vọng lớn nhất hiện tại của bà con ngư dân các tỉnh chịu ảnh hưởng là Formosa thực hiện đúng cam kết về việc giải quyết thiệt hại của Formosa phải, đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Các hộ kinh doanh, buôn bán hải sản cũng mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp...

Bên cạnh đánh giá tác động của tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu cũng đề xuất nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới như: Trung ương Đoàn kiến nghị sớm ban hành chỉ thị lãnh đạo đại hội đoàn các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. MTTQ Việt Nam kiến nghị giải quyết vấn đề bất cập chính sách đối với cán bộ MTTQ và các đoàn thể; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định số 282-QĐ/TW của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện…Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị phê duyệt Đề án đổi mới mô hình hoạt động; tăng cường phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước…

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, được thể hiện cụ thể qua sự thành công của Đại hội XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; các kết quả tích cực của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng trưởng của FDI...

 
 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai cũng nêu những khó khăn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong 6 tháng đầu năm, như: vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, phức tạp ở nhiều nơi, chủ yếu là xâm nhập mặn, hạn hán; ô nhiễm môi trường, cá chết tại các tỉnh miền Trung ... đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, thu nhập, việc làm của người dân các tỉnh. Bên cạnh đó, một số vấn đề khác như: nợ công, quản lý xã hội, an ninh trật tự, cung cấp dịch vụ công, giá cả thị trường, bảo hiểm xã hội ... cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý người dân.

Trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động năm 2016 đã đề ra và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương, đơn vị và những giải pháp về đổi mới phương thức hoạt động nhằm mang lại hiệu quả cho đoàn viên, hội viên. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; mục tiêu, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và 5 năm tiếp theo./.

Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất