Thứ Tư, 13/11/2024
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy Ban dân vận tinh gọn, hiệu quả
 
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc 


Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cùng các đồng chí thành viên Đoàn khảo sát, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và đại diện các vụ, đơn vị của Ban.

Thay mặt Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Trưởng Ban, trình bày Báo cáo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận tinh gọn, hiệu quả.

Báo cáo nêu rõ, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy dân vận các cấp. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định của Đảng về dân vận, công tác dân vận được ban hành. Các cấp ủy đã chú trọng công tác dân vận, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ thông qua việc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI). Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng được tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận được quan tâm thực hiện.

Thông qua việc thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Đảng đã tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị làm công tác dân vận, nhất là tạo sự chuyển biến tích cực đối với chính quyền các cấp trong công tác dân vận.

Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu; phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ và hiệu quả hơn.

Báo cáo cũng nêu lên những bất cập, hạn chế trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy ban dân vận các cấp. Trong đó có việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (sửa đổi, bổ sung năm 2011), nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm; việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chậm được đổi mới; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành tác phong quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; sự phối hợp triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy dân vận có lúc, có nơi chưa đồng bộ và không kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết vấn đề phát sinh, điểm nóng ở một số nơi còn lúng túng; vai trò, trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận có nơi còn hạn chế, yếu kém; trình độ, năng lực, kinh nghiệm làm công tác dân vận của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tổ chức bộ máy ban dân vận các cấp tinh gọn và hiệu quả, Ban Dân vận Trung ương đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số nội dung, như:

Xem xét, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các Ban Đảng Trung ương, đáp ứng yêu cầu là cấp tham mưu chiến lược cho Đảng về công tác xây dựng Đảng;

Đối với tổ chức bộ máy dân vận cấp quận, huyện nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo hướng bố trí đồng chí ủy viên ban thường vụ là trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ; thành lập văn phòng chung cho các ban đảng và văn phòng chung cho Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện đề án vị trí việc làm gắn với khoán quỹ lương;

Đối với khối dân vận xã, phường, thị trấn, sớm tổng kết Hướng dẫn Liên ban số 01, ngày 25/5/2000 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Dân vận Trung ương, theo hướng quy định đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy làm trưởng khối dân vận xã, phường, thị trấn.

Trên cơ sở Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, phát biểu của đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương và trao đổi, thảo luận của các đại biểu; phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tòng Thị Phóng đánh giá cao, ghi nhận, tiếp thu nội dung Báo cáo và ý kiến của các đại biểu. Trong đó, cần đánh giá thêm về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ trong hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; vai trò, trách nhiệm của công tác dân vận đối với đời sống của các tầng lớp nhân dân; về sự hợp lý, khoa học trong bố trí, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở đánh giá đúng vị trí việc làm.

Đồng thời cần sớm nghiên cứu tổng kết một số mô hình: tuyên vận (cấp xã, thôn); tổ dân vận (cấp thôn); ban dân vận – mặt trận (cấp huyện); quan tâm đánh giá hiệu quả hoạt động công tác dân vận, các mô hình dân vận của chính quyền... , xây dựng bộ máy Ban dân vận tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác dân vận và sự phát triển của đất nước giai đoạn hiện nay.

Hoàng - Nam

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất