Thứ Năm, 9/1/2025
Vận động sức dân chăm lo cho nhân dân
Bí thư chi bộ khu phố 3, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình Hưng Hòa đưa cơm phục vụ người nghèo tại Nhà ăn tình thương

Lòng nhân hậu - cội nguồn sức mạnh trong dân

Ở TP Hồ Chí Minh, những khu đất mặt đường luôn được coi là “ vàng” bởi bất cứ ai có quyền sở hữu, cho thuê, kinh doanh, buôn bán sẽ không phải nặng gánh lo toan cuộc sống hằng ngày. Vậy mà, ở quận Bình Tân, phường Bình Hưng Hòa, có một người phụ nữ đã dành hơn 100 m2 đất mặt đường của gia đình để làm Nhà ăn tình thương - nơi phục vụ cơm ăn hằng ngày cho người vô gia cư, người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam... Đó là chị Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ khu phố 3, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường.

Mọi người đến thăm mảnh đất vàng của chị đúng lúc hơn 120 người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư, người già không nơi nương tựa đang chuẩn bị ăn cơm. Những người nghèo không phải xếp hàng, chỉ việc ngồi ở ghế, chị Loan và các tình nguyện viên sẽ đưa những suất cơm nóng hổi đến tận nơi. Chị Loan vừa tất bật đưa cơm cho người nghèo, vừa trả lời các cuộc điện thoại của người hảo tâm muốn ủng hộ bữa cơm, vừa chỉ dẫn mọi người ra bàn đăng ký suất ăn. Thời tiết ở TP Hồ Chí Minh những ngày này oi bức nhưng không khí nơi đây thật ấm áp nghĩa tình. Đến với bữa cơm hôm ấy có nhiều người với hoàn cảnh đáng thương. Đó là cụ Trần Đình Đang (hơn 80 tuổi) đến ăn cơm và xin được mang về ba suất khác cho người vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Vân, ốm đau, bệnh tật nằm liệt giường từ nhiều năm nay, chị Hồ Thị Mỹ Lệ bị tai nạn rất nặng, bị chồng bỏ rơi đang được chăm sóc bởi chị gái Hồ Thị Huệ không có việc làm. Đó là suất cơm được ủ nóng để ở góc bàn dành riêng cho sinh viên nghèo Trương Văn Hoàng, quê ở Phú Yên, vì phải đi học mà không thể về ăn cơm đúng giờ. Đó còn là những suất ăn nóng được các tình nguyện viên đưa đến tận nhà cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… Đến giúp chị Loan phục vụ cơm cho người nghèo hôm ấy có các tình nguyện viên người Hàn Quốc. Họ đưa cơm, trao cơm cho người ăn với tình cảm trân trọng, nhiệt tình và khẩn trương. Tình người ấm cúng như những suất cơm từ thiện nghi ngút khói.

- Khu đất này nếu cho thuê sẽ được bao nhiêu tiền một tháng? - Có người hỏi chị Loan.

- Có doanh nghiệp sau khi biết tôi mở Nhà ăn tình thương đã đến rủ rỉ rằng: "Chị làm công tác xã hội thế này thì thiệt lắm. Cho em thuê, em trả 15 triệu đồng/tháng, nếu chị thấy chưa được thì ta thương lượng tiếp". Nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn khu đất của mình được sử dụng có ý nghĩa, vì người nghèo.

- Ngày nào Nhà ăn tình thương cũng mở cửa thế này sẽ rất vất vả?

- Hiện nay, Nhà ăn mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy, trong đó, có ba bữa do Hội Chữ thập đỏ phường vận động tài trợ, trực tiếp nấu ăn, phục vụ bà con. Ba bữa còn lại dù đã nhận được tài trợ nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội.

Cùng phục vụ bữa cơm cho người nghèo với chị Loan còn có hai nữ giáo viên về hưu là chị Phạm Thị Hợp và chị Nguyễn Thị Thanh Hương. Các chị ngày nào cũng tất bật, vất vả với Nhà ăn tình thương mà không có bất cứ khoản thù lao gì. Khi có người giúp đỡ thì các chị ngồi ghi tên người đến đăng ký ăn cơm. Khi thiếu người, các chị trực tiếp nấu, đưa cơm, dọn dẹp, rửa bát đĩa… Tấm lòng của các chị với người dân nghèo như đóa hoa rực rỡ sắc mầu nhưng khép mình, âm thầm giữa ồn ào đô thị.

Ở TP Hồ Chí Minh, nơi thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, cứ nhắc đến chủ nhà trọ là nói đến những người có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí rất cao. Bà Nguyễn Thị Thành, ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn là một trong những người như thế, với 100 phòng trọ cho thuê. Bà không chỉ là một trong những chủ hộ có nhiều phòng trọ nhất mà còn là một chủ khu trọ có nhiều giấy khen, bằng khen nhất ở huyện, có khi là cả thành phố. Nhiều đến mức bà không nhớ được mình có bao nhiêu cái và dù diện tích nhà rộng đến vậy cũng không đủ chỗ để treo. Bà Thành dành hẳn một phòng rộng gần 30 m2 làm Phòng sinh hoạt cộng đồng, dành cho tất cả người thuê trọ. Trong căn phòng này, bà Thành mua sắm loa đài, bàn ghế, quạt, ti-vi… để giúp mọi người có phương tiện sinh hoạt. Các đoàn thể của quận, phường ủng hộ thêm Tủ sách thanh niên và các vật dụng khác. Đáng quý hơn, đáng trân trọng hơn khi bà Thành còn dành một căn phòng trọ khác để đặt tên là Căn phòng mơ ước, chỉ để dành cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở miễn phí không lấy tiền, trị giá 750 nghìn đồng/tháng.

Câu chuyện với bà Thành - người chủ nhân ái của khu nhà trọ cứ bị cuốn đi từ kỷ niệm này đến kỷ niệm khác. 13 năm qua, đã có hàng nghìn lượt người đến đây ở và đã nhận được sự cưu mang, hỗ trợ của bà Thành trong thời điểm khó khăn của cuộc sống. Ở đây, người ta gọi bà bằng tên gọi thân mật và trìu mến: Cô Tư.

Cô Tư Thành đã nhiều lần bỏ tiền túi, lần nhiều nhất hai triệu đồng, lần ít thì 500 nghìn đồng để tặng những nữ công nhân nghèo khi gia đình có việc đột xuất, tai nạn; cô Tư Thành từng lấy gạo, lấy rau, đồ ăn của nhà để hỗ trợ hai vợ chồng công nhân nghèo khó, ốm đau… Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu… các đoàn thể ở địa phương dành cho người nghèo tại khu nhà trọ này những suất quà. "Thế nhưng, người nghèo ở đây nhiều lắm. Người có quà, người không. Tôi thấy tội nghiệp quá. Vì thế, tôi đã bỏ tiền riêng ra mua đúng những suất quà như vậy để tặng thêm những người nghèo, để họ đỡ tủi thân" - Cô Tư kể.

Chia tay Cô Tư, chúng tôi gặp những nữ công nhân vừa đi làm ca về. Các chị cứ cầm tay bà nói: Cô tư ơi, cô mở nhà trông trẻ đi cho bọn con được nhờ. Có cô tham gia chăm sóc con cái, chúng con yên tâm đi làm, cô Tư nhé…

Chủ trương đúng, dân nghe

Từ khi có phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới, ở nhiều nơi bắt đầu xuất hiện người dân hiến đất làm đường để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Thế nhưng, hành động ý nghĩa đó đã có ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, từ những năm 1996 - 1997. Ông Phạm Văn Khuê, cán bộ Tổ chức Đảng ủy xã hiện nay và là Phó Chủ tịch HĐND xã 18 năm trước cho biết: Hồi đó, khi huyện có chủ trương mở rộng cơ sở hạ tầng và vận động nhân dân hiến đất, xã đã tổ chức hơn 50 cuộc họp để phổ biến và lắng nghe ý kiến nhân dân. Thật bất ngờ khi có tới 85% người dân ủng hộ chủ trương này. Hiến đất ở đây là tự nguyện, không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào, dù là nhỏ nhất... Và tinh thần hiến đất của bà con Thái Mỹ đã được duy trì mạnh mẽ từ ngày đó cho đến hôm nay, khi mà công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã đã bắt đầu đến đích.

Nhớ lại thời điểm năm 1995 trở về trước, ông Lê Văn Thinh (65 tuổi), Trưởng ấp, Phó Bí thư chi bộ ấp Bình Hạ Đông kể: Đi làm ruộng khó khăn, vất vả lắm! Từ nhà đến ruộng có nhiều đoạn phải lội nước ngập đến cổ… Nhờ phong trào hiến đất làm đường được phát động và nhân dân hưởng ứng từ năm này qua năm khác, cho nên bây giờ xã có nhiều đường lớn để đi, các loại phương tiện, máy móc ra đến tận ruộng... Một trong những người hiến đất làm đường nhiều nhất xã là ông Lê Văn Thinh. Với con đường phía trước nhà, ông Thinh đã hiến hơn 100 m2 đất cùng hàng rào, cây cảnh; ở tuyến đường kênh 23-38711, ông Thinh hiến tiếp 120 m2 nữa… Trưởng ấp Lê Văn Thinh còn là người chủ trì các buổi đi vận động bà con làng xóm tham gia hiến đất làm đường.

- Vận động mọi người hiến đất không nhận đền bù quả là một việc khó? - Chúng tôi hỏi.

- Khó chứ! Nhiều hộ không đồng ý, trong đó, có cả họ hàng của mình. Có hộ không phản đối nhưng cũng không tham gia. Chúng tôi phải tìm đến tâm tình, nói rõ với bà con những mặt được của việc hiến đất, chỉ rõ cho bà con thấy lợi ích lâu dài của hiến đất làm đường. Một lần không được thì hai lần, ba lần. Rồi bà con thấy cái tâm của cán bộ, cái tốt của chủ trương cho nên đã ủng hộ...

Các đồng chí lãnh đạo xã Thái Mỹ thông báo: Đã có gần 1.300 hộ dân tình nguyện hiến hơn 26 ha đất làm đường, ước tính tổng trị giá hơn 105 tỷ đồng. Trong đó có đầy đủ thành phần: hội viên Hội Nông dân; hội viên Hội Phụ nữ, người cao tuổi, đảng viên, cựu chiến binh, thanh niên, gia đình chính sách và chủ sử dụng đất là người ở bên ngoài địa bàn… Phong trào hiến đất làm đường của người dân Thái Mỹ không chỉ là điểm sáng về công tác dân vận, về tinh thần hy sinh lợi ích riêng tư vì cộng đồng của huyện Củ Chi, mà còn là điển hình tiêu biểu trong vận động sức dân chăm lo cho nhân dân của TP Hồ Chí Minh.

Những câu chuyện cảm động từ thực tế cuộc sống thể hiện sâu sắc kết quả thực chất của phương châm vận động sức dân chăm lo cho nhân dân ở thành phố mang tên Bác. Đó là bà Huỳnh Thị Kim Chi, ngụ tại ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, đã ủng hộ ấp gần 70 triệu đồng để mở đường, cho dù nhà bà nằm cách khá xa con đường được mở. Đó là anh Đặng Kim Thanh, ở huyện Củ Chi, chủ trang trại với 20 nghìn cây hoa lan và cây ăn quả đã không giữ bí quyết thành công cho riêng mình mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cây giống với bà con lối xóm và cả những người không quen biết, với mong muốn giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Đó còn là CLB chủ các nhà trọ ở xã Trung An, huyện Củ Chi, đã tập hợp bên nhau để tăng nguồn lực chăm lo cho người thuê trọ có cuộc sống bình yên, an ninh trật tự được bảo đảm, giúp chính quyền nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hàng nghìn công nhân tại khu công nghiệp…

Ở đâu công tác vận động nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân được làm tốt, ở đó tình làng nghĩa xóm chan hòa, ấm cúng, người dân tin tưởng, ủng hộ chính quyền. Mỗi khi gặp khó khăn, nếu được người dân đồng lòng, thấu hiểu... lập tức khó khăn được giải quyết. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng với các nguồn lực của Đảng, Nhà nước hướng về người dân thì việc vận động sức dân chăm lo nhân dân cần được đặc biệt quan tâm. Để làm được điều này, các cấp ủy Đảng chính quyền, mỗi người cán bộ phải gần dân, hiểu dân và sẵn sàng tiếp thu, đón nhận những ý kiến góp ý của nhân dân. Ở TP Hồ Chí Minh, đây là một trong những công tác trọng tâm của Thành ủy, các cấp chính quyền và sẽ được làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn: nhandan.org.vn/ Đinh Song Linh, ngày 17/8/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất