Thứ Tư, 13/11/2024
Sự lãnh đạo của Đảng bộ An Giang đối với công tác dân vận trong tình hình mới

Thành tựu lớn nhất là về nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận được nâng lên; nhiều phong trào hành động cách mạng được Nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia; một số mô hình hay về công tác dân vận được nhân rộng.

Hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên ngày càng đi vào thực chất; qua các phong trào nhiều đoàn viên, hội viên ưu tú được giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Các chủ trương, chính sách về tôn giáo, dân tộc được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo được triển khai có hiệu quả. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, chức sắc, tín đồ tôn giáo ngày càng gắn bó. Vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín được phát huy tốt trong các phong trào thi đua yêu nước và trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, về xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc nổi lên ngay từ ở cơ sở...

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu. Bố trí cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm làm công tác dân vận; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ Dân vận, nhất là cán bộ khối vận ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 

Phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn trong các tầng lớp Nhân dân và lực lượng vũ trang. Các địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện tốt các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo và phòng, chống thiên tai; kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình, dư luận xã hội để có giải pháp phù hợp, nhất là đối với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhằm đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả công tác dân vận là một đảm bảo quan trọng để đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: baoangiang.com.vn, 12/10/2015

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất