Tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính. Dự lễ khai hội có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách thập phương.
Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm, các tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức kéo về chùa Bái Đính để chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm.
Đây là năm thứ 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính kể từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Sự kiện này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của chùa Bái Đính trong đời sống tâm linh của người dân.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh trống, đánh chiêng khai hội. Tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...
* Còn tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long phối hợp tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu xuân Bính Thân 2016. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dự lễ.
Bắt đầu từ mùa xuân Giáp Ngọ 2014, Lễ khai bút và khai ấn được lồng ghép vào ngày mùng 6 tháng Giêng, với ý nghĩa mở ra một năm mới có nhiều thành tựu về văn chương nghệ thuật, học hành khoa cử.
Lễ khai bút và khai ấn năm nay được tổ chức kéo dài trong 3 ngày từ mùng 6 đến hết mùng 8 Tết với tiêu chí dần dần biến hoạt động này thành một lễ hội hiện đại để tưởng nhớ tiền nhân, tôn vinh sự học và thi đua sáng tạo mỗi dịp xuân về. Sau lễ khai mạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, ngâm thơ, hát chèo, ca trù...
Cũng trong ngày mùng 6 Âm lịch, lễ khai bút đầu xuân Bính Thân 2016 đã diễn ra tại Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, núi Phượng Hoàng, xã Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tại Lễ khai bút, các cụ đồ nho, nhà giáo cao tuổi, uy tín của Hải Dương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương đã khai bút với các chữ “Kế - Vãn – Khai - Lai” và “Tâm - Đức - Trí - Phúc - Lộc -Tài - An – Phát - Thịnh”.
Lễ khai bút nhằm tôn vinh sự học, nghiệp dạy của học sinh và giáo viên cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Lễ khai bút cũng còn như nhắc lại lời dạy của tiền nhân về đạo lập thân, tu nghiệp, rèn đức, luyện tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
* Sáng 13/2, lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và dâng hương.
Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú. Đặc biệt, lễ hội đền Hai Bà Trưng có nghi lễ rước kiệu độc đáo, lễ tế cộng đồng theo nghi lễ cổ truyền của các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống.
* Cũng trong ngày 13/2, tại Khu di tích lịch sử Đền Đuổm, xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), Lễ hội xuân đền Đuổm - lễ hội xuân lớn nhất tỉnh Thái Nguyên đã chính thức khai hội với sự tham dự đông đảo của du khách thập phương.
Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân mới, dịp này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn diễn ra nhiều lễ hội xuân đặc sắc như: Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình), Hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Hội Lồng tồng ATK Định Hóa...
Còn tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hội vật làng Thủ Lễ chính thức được khai hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về xem hội. Đây là một hoạt động thể thao, nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo có từ lâu đời không thể thiếu trong ngày Tết của vùng đất Quảng Điền, góp phần tạo nên sự trọn vẹn của hương sắc ngày xuân.
Hội vật làng Thủ Lễ mồng 6 Tết ngày xưa với mục đích tuyển chọn những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, hội vật là dịp để người dân rèn luyện sức khỏe, đồng thời là ngày hội cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được sống trong hòa bình hạnh phúc.
* Cũng tại Hà Nội, ngày 13/2, chùa Hương đã chính thức khai hội, thu hút đông đảo khách thập phương trẩy hội. Trong ngày khai hội chùa Hương có khoảng 5 vạn khách tham dự. Tính từ ngày mùng 3 Tết, ngày đầu bán vé tham quan lễ hội đến nay, gần 20 vạn khách đã tham quan, trẩy hội.
Trong vài năm trở lại đây, UBND huyện Mỹ Đức tích cực quan tâm đến công tác tổ chức. Do vậy, mùa lễ hội 2016, tình trạng treo bán thịt động vật tươi sống phản cảm hầu như không còn. Các quán bán hàng ăn đã sử dụng tủ bảo quản thực phẩm để đựng đồ thực phẩm tươi sống. Tình trạng vứt, đổ rác thải tràn lan giảm đáng kể. Một đơn vị xử lý rác thải chuyên nghiệp đã đảm nhận việc thu gom, phân loại, đốt rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tình trạng “cò mồi”, ép khách, bắt khách từ xa cũng giảm nhiều trong mùa lễ hội này. Trước đó, lực lượng công an đã bắt nhiều đối tượng “cò mồi” vé, ép sử dụng dịch vụ, đồng thời kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý nghiêm những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn lậu vé.
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội) khai hội ngày hôm nay do được tổ chức tốt hơn nên cũng không còn tái diễn tình trạng bạo lực trong tranh cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau. Kết thúc lễ rước và lễ tế của các thôn làng, người dân kéo về hội Gióng ngày càng đông hơn. Theo ước tính, riêng ngày khai hội, lượng người trẩy hội lên tới 3-4 vạn. Hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra đến hết ngày 15/2 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng).
Một lễ hội khác được công chúng quan tâm trong những năm gần đây là lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống vào ngày hôm nay. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà “ông ỉn” được đưa vào khu vực kín đáo làm thịt tế thánh.
Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm. Năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và bảo đảm yếu tố truyền thống, tỉnh Bắc Ninh đã vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh tục chém lợn giữa sân đình vào một khu vực riêng để làm thịt và làm cỗ ngọc tế thánh.
Theo Báo điện tử Chính phủ