Thứ Sáu, 8/11/2024
Lào Cai: Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

 Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại Lào Cai

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và Kết luận số 37-KL/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC chức  cấp xã ở Lào Cai được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. 

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai đã tổ chức rà soát, xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã cho từng giai đoạn. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã để đạt trình độ theo tiêu chuẩn quy định, đồng thời tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức xã theo chức danh, vị trí việc làm.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chuyên môn về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra, giám sát, công tác văn phòng đảng ủy, công tác đoàn thể; công tác tài chính - kế toán, tài nguyên - môi trường, địa chính - xây dựng, tư pháp, văn hóa - xã hội...và đào tạo kiến thức bổ trợ (tin học, tiếng dân tộc thiểu số). Với những cách làm trên, giai đoạn 2010 -2015, đã có trên 9.700 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, có trên 1.500 người được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; trên 1.800 người được đào tạo trình độ trung cấp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho chức danh chủ chốt cấp xã trên 2.500 lượt người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức cấp xã trên 3.800 lượt người với tổng kinh phí thực hiện trên 31 tỷ đồng (trong đó, kinh phí địa phương hơn 26,8 tỷ đồng, còn lại là nguồn kinh phí Trung ương).

Với kết quả đạt được trong thời gian qua, trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Giàng Thị Bằng cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền  địa phương đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; tỉnh Lào Cai đã có các chính sách ưu tiên phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng từ tỉnh đến huyện như: đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; ban hành chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh. Đến nay,  Lào Cai có hơn 3.600 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó số CBCC cấp xã đạt chuẩn là 1.830 người, chiếm tỷ lệ 50,4% (tăng 8,5% so với  năm 2014).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là ở các xã vùng II, vùng III. Thời gian bồi dưỡng theo chương trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương cho từng chức danh khá dài, nếu thực hiện đúng theo thời lượng quy định sẽ khó khăn cho cán bộ, công chức sắp xếp thời gian, công việc để tham gia học tập. Do hạn chế về nguồn lực nên không thể mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa trình độ cho cán bộ, công chức xã.

Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã ở Lào Cai cho thấy,  thời gian tới cơ sở cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như: Một là, Căn cứ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, các cấp ủy cần vận dụng những quy định của Trung ương chỉ đạo việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với rà soát, đánh giá và xây dựng quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở đó thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã. Ưu tiên đào tạo trình độ chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc cho từng chức danh cán bộ, công chức theo chương trình bồi dưỡng do Bộ Nội vụ ban hành. Thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC cấp xã, kịp thời động viên, khuyến khích CBCC tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, cần có quy định về “chế độ học tập bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên”. Từ đó, tạo cho được ý thức học tập tự giác, nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên, nhất là CBCC cấp xã vì mục đích nâng cao phẩm chất chính trị, kiến thức, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, chức trách được giao, bảo đảm thực chất. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; kiên quyết không bầu, không bổ nhiệm những người chưa qua đào tạo.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các huyện, cụm xã để tạo nhiều cơ hội cho cán bộ, công chức cấp xã đi học. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng học viên là chủ thể, giảng viên đóng vai trò chủ đạo, phát huy tính tích cực, chủ động, hứng thú của học viên trong học tập.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát huy có hiệu quả đội ngũ giảng viên kiêm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Đội ngũ này là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, là lãnh đạo tỉnh, huyện, lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Bốn là, bổ sung hoàn chỉnh các chế độ, chính sách của tỉnh đối với CBCC cấp xã đi học, trong đó có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với những CBCC cấp xã tích cực học tập, đạt kết quả tốt; nghiêm khắc xử lý những CBCC không chấp hành quyết định cử đi học, học tập đạt kết quả kém./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 6/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi