Ngày 6/9, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X về công tác dân vận.
|
Quang cảnh hội nghị
|
Đến dự có đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe triển khai Chương trình hành động số 10-CtrHĐ/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X về công tác dân vận; Chương trình hành động số 11-CTrHĐ/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Thông tri số 06-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Thông tri số 09-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hội nghị cũng nghe lãnh đạo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè trao đổi về những cách làm thiết thực, hiệu quả, sáng tạo trong công tác dân vận (về cải cách hành chính, giám sát và thực hiện phản biện xã hội, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức hội nghị nhân dân…)
Trong nhiệm kỳ qua, công tác dân vận của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh được tăng cường và đổi mới. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố, giữ vai trò nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác dân vận vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân chưa sâu sắc, chưa đầy đủ; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chậm đổi mới. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Công tác dân vận của chính quyền ở một số nơi chưa được quan tâm thực hiện; tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước những bức xúc chính đáng của nhân dân vẫn còn, nhất là ở bộ phận trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân; chậm sửa đổi, bổ sung những chính sách, quy định không còn phù hợp...
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá: “Những thành quả đạt được của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua có sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của công tá c dân vận. Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của những phong trào đã có, trong thời gian tới, với khả năng sáng tạo, năng động của mình sẽ xuất hiện nhiều hơn các điển hình, các cách làm và phong trào tốt để nhân rộng trong cả nước trong tình hình mới”. Đánh giá cao 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động số 10-CTrHĐ/TU và những nội dung của Thông tri số 06-TT/TU, Thông tri số 09-TT/TU, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị cần chú ý 4 nội dung. Cụ thể: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận để có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nhà nước, thực hiện tốt quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời và dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kiên quyết khắc phục dân chủ hình thức; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải thật sự tin dân - trọng dân - gần dân - hiểu dân - học dân - dựa vào dân và có trách nhiệm với dân.
“Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định phải xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân”, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định như trên tại hội nghị. Để thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, ngoài 4 ý kiến đã được Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh thêm 3 nội dung cần tập trung trong thời gian tới. Trước hết, cần chăm lo đầy đủ, sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân (công ăn việc làm, học hành, sức khỏe, sự bình yên, an toàn thực phẩm, giảm và đi đến không còn ngập lụt). Bên cạnh đó, Đảng phải thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh khi đề ra chương trình hành động về công tác dân vận đặt ra 5 nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan nhà nước”, giảm tối đa phiền hà của người dân với tinh thần phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân nhất thì cố gắng làm. Song song đó, cần nhắc nhở, kiểm tra đội ngũ cán bộ - công chức, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân, không chỉ về thái độ, trách nhiệm mà kể cả kỹ năng ứng xử, tác phong trong giải quyết công việc của người dân. Ngoài ra, Đảng phải củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực (tham nhũng, lãng phí, quan liêu…) trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X về công tác dân vận, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTrHĐ/TU với 5 nhiệm vụ và giải pháp:
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Tăng cường, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội.
- Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
|
Nguồn: sggp.org.vn, ngày 06/9/2016