Thứ Ba, 26/11/2024
Người dân sẽ được khám bệnh định kỳ mỗi năm một lần

Chiều 23/1, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả triển khai hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT).


 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị

Theo BHXH Việt Nam, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thiết lập và chính thức hoạt động từ ngày 25-6-2016; kết nối, liên thông dữ liệu với 12.461 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận gần 68,9 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán 6 tháng cuối năm 2016 với gần 35 ngàn tỷ đồng và trên 3 triệu hồ sơ phát sinh tháng 1-2017 với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện giám định điện tử, cơ quan BHXH đã phối hợp, chủ động hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện chuẩn hóa, thống nhất danh mục thanh toán BHYT của gần 3 triệu bản ghi về thuốc, 4,94 triệu bản ghi về dịch vụ kỹ thuật và 200 ngàn loại vật tư y tế; loại khỏi danh mục 8% số thuốc và 3,7% số dịch vụ kỹ thuật và 15% số vật tư y tế do ngoài phạm vi thanh toán BHYT.

Phần mềm giám định đã thống kê các trường hợp sử dụng thẻ BHYT khám nhiều nơi trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh. Thống kê trong quý 4-2016 có 100 trường hợp khám trên 50 lần, chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã, cá biệt có trường hợp khám 140 lần trong 3 tháng tại nhiều bệnh viện các quận của TP.HCM. Phần mềm cũng phát hiện nhiều hồ sơ đề nghị thanh toán trùng thời gian, trùng lắp chi phí, cá biệt có trường hợp cùng một hồ sơ đề nghị thanh toán 2 lần với chi phí trên 400 triệu đồng…

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã kết nối hệ thống với cơ sở dữ liệu dân cư và thí điểm ở 603 đơn vị khám chữa bệnh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất cần sớm thống nhất danh mục dùng chung; thí điểm phân cấp khám điều trị một số bệnh đơn giản ở trạm y tế xã phường, khám tại nhà để tăng chất lượng y tế cơ sở cũng như quản lý chặt chẽ việc sử dụng BHYT. Chủ tịch UBND TP cũng đề xuất Chính phủ đồng ý để Hà Nội thí điểm theo dõi sức khoẻ người tham gia BHYT bằng sổ y bạ điện tử. 

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Microsoft, từ quý I-2017, thành phố sẽ triển khai việc quản lý tất cả 41 bệnh viện bằng công nghệ thông tin…

Đánh giá cao những kết quả ban đầu của hệ thống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việc lần đầu tiên kết nối hơn 12.000 cơ sơ y tế toàn quốc  là sự kiện quan trọng để thay đổi căn bản cách quản lý BHYT lâu nay còn nhiều bất cập".

Phó Thủ tướng phân tích, năm 2017, sẽ có khoảng 70.000 tỷ đồng được chi trả cho BHYT. “90 triệu dân đi khám bệnh ở nhiều nơi, nếu không quản lý bằng máy vi tính thì không làm sao biết được có thất thoát hay không”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc sử dụng hệ thống này không chỉ là thay đổi thói quen mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của một số người muốn trục lợi. Phó Thủ tướng dẫn chứng, qua kiểm tra ở một số địa phương, đã phát hiện nhiều sai phạm và các đơn vị phải xuất toán bù 200 tỷ đồng trong khi đó, chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin để công khai minh bạch của hệ thống chỉ hết 150 tỷ đồng…

Để giải quyết các khó khăn vướng mắc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế vào cuộc quyết liệt, đảm bảo chất lượng tin học hóa ở bệnh viện. Nhấn mạnh thông điệp minh bạch hóa, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra các đơn vị làm chậm, khó khăn vướng mắc phải xử lý ngay.


 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với các kiến nghị của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết, sau Tết Nguyên đán, sẽ thí điểm việc theo dõi sức khoẻ của người dân và mỗi người sẽ được khám bệnh định kỳ, trước mắt là một năm một lần. “Thực tế, 10 người mua BHYT thì chỉ có 4 người đi khám ở cơ sở, nhiều người không ốm không đi khám nên không thấy ích lợi. Chúng ta phải làm được thì người dân mới tin tưởng, mới sớm thực hiện được mục tiêu bao phủ BHYT”, Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng đây là hướng đi khả thi và sẽ mở ra những thay đổi tích cực. Bà Trương Thị Mai nhắc nhở: “Bảo hiểm xã hội giữ tiền cho dân thì phải biết trân trọng nâng niu từng đồng và quan trọng nhất là tiền đó phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Nếu để thất thoát là có lỗi với nhân dân”. Khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT là xu hướng khoa học, bà Trương Thị Mai tin tưởng hệ thống sẽ phát huy hiệu quả với mục đích cao nhất là người dân được hưởng lợi./.

Nguồn: anninhthudo.vn, ngày 23/1/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi