Là mục tiêu phấn đấu và quyết tâm thực hiện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hưởng ứng tháng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hai ngày 10-11/5/2017, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, EVNNPC đã tổ chức các hoạt động mít tinh, đạp xe và tọa đàm nhằm hưởng ứng tháng An toàn vệ sinh lao động.
|
Tọa đàm “Vai trò của tâm sinh lý và sức khỏe người lao động trong lao động sản xuất” |
Với phương châm “Người lao động là tài sản quý giá nhất”, bên cạnh việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được Tổng công ty Điện lực miền Bắc đặt lên hàng đầu. Người lao động được huấn luyện đào tạo đầy đủ trước khi làm việc và định kỳ theo quy định, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc, được quan tâm chăm sóc sức khỏe và tâm lý lao động.
Ông Dư Cao Minh, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết: “Thực tế điều kiện làm việc của ngành điện khá nặng nhọc và còn nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực tế cho thấy, một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động đôi khi chưa nâng cao ý thức trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy trình quy phạm lao động, còn tình trạng làm tắt, làm ẩu, chưa coi trọng việc tập huấn, trau dồi kiến thức, một số lãnh đạo đơn vị còn buông lỏng, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra kiểm soát an toàn lao động, … là những nguy cơ và nguyên nhân có thể gây nên tai nạn lao động”.
|
Cán bộ, công nhân EVNNPC tham gia mít tinh |
Năm 2017, EVNNPC thực hiện chủ đề “Phòng ngừa tai nạn lao động, nói không với tai nạn lao động”, trong việc thực hiện nghiêm công tác an toàn, các đơn vị trong toàn Tổng công ty tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động có hiệu quả, đồng thời triển khai các giải pháp phòng ngừa mang tính dài hạn, quản lý an toàn vệ sinh lao động một cách khoa học.
Hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, trong tháng 5/2017, EVNNPC đã xây dựng chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ và tổ chức triển khai thực hiện trong các đơn vị thành viên, cụ thể gồm: Xây dựng mục tiêu phương hướng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm, kế hoạch triển khai công tác an toàn theo từng quý trong năm; tham gia khóa học đào tạo kiến thức cơ bản đánh giá rủi ro các công trình do Bộ Công thương tổ chức; Xây dựng đề cương chi tiết kiểm tra công tác quản lý ATVSLĐ và kỹ thuật an toàn tại các đơn vị; Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra an toàn hồ đập trước mùa mưa bão với các nhà máy thủy điện; Rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ 2,8 vạn CBCNV Tổng công ty; tổ chức huấn luyện định kỳ cho 2,2 vạn CBCNV người lao động, tăng cường công tác kiểm tra hiện trường với tần suất gấp 2 lần quy định,…
Trong khuôn khổ chương trình hưởng ứng thành hành động, sáng 11/5/2017, chương trình kết công tác ATVSLĐ-PCCN và tọa đàm trao đổi với các chuyên gia tâm lý về “Vai trò của tâm sinh lý và sức khỏe người lao động trong lao động sản xuất” đã được EVNNPC tổ chức cầu truyền hình đến hơn 300 điểm cầu tại 27 tỉnh thành thuộc địa bàn 27 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc. Đông đảo lực lượng CBCNV người lao động đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ trong thực hiện nhiệm vụ công tác. Thực hiện công tác ATVSLĐ không chỉ là hoạt động hưởng ứng trong một ngày, một tháng mà là hoạt động thường xuyên liên tục của EVNNPC nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.
PV