Thứ Ba, 26/11/2024
Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng: Tiếp tục tham mưu, phối hợp nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội
 
Quang cảnh Hội nghị 


Các đ
ồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy: Phạm Quý, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban; Phan Viết Thông, Phó Trưởng Ban Thường trực; Mai Thị Thu, Phó trưởng Ban đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn và các tham luận được trình bày tại Hội nghị đã tập trung phản ánh, làm rõ những kết quả quan trọng, nổi bật của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong tham mưu, tổ chức thực hiện; hiệu quả công tác chỉ đạo của các quận, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; vai trò tham mưu thực hiện của hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể cấp cơ sở; chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại hạn chế xuất phát từ thực tiễn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thời gian tới.

Sau 3 năm triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mang lại những kết quả tích cực. Nội dung giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề cụ thể như thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ, cán bộ Đoàn; giám sát về tình hình thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế; kết quả thực hiện chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác đền bù giải tỏa, xây dựng sửa chữa nhà ở cho các gia đình có công cách mạng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của các nhóm trẻ gia đình; công tác thanh tra nhân dân trong giám sát cộng đồng; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử; tham gia góp ý, phản biện các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thành phố và địa phương...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quý, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy khẳng định: Việc tiếp tục thực hiện có kết quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã góp phần củng cố, xây dựng niềm tin và mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phù hợp với xu thế phát huy dân chủ xã hội gắn với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Đồng chí cho rằng việc thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW thời gian qua trên địa bàn thành phố nổi lên các kết quả lớn, đó là: Công tác tham mưu của hệ thống dân vận cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW là đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực, chủ động và phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong triển khai thực hiện, nhất là đã chọn đúng và trúng những vấn đề cụ thể, có phương pháp và cách thức thực hiện hiệu quả, sáng tạo; có giải pháp phát huy vai trò đối thoại trực tiếp của lãnh đạo, người đứng đầu với nhân dân trong giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm. Không ngừng phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường tinh thần trách nhiệm các của cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, đoàn viên, hội viên và nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể được thể hiện rõ.

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Quý cũng chỉ ra 4 hạn chế cần khắc phục là: Việc triển khai thực hiện ở cơ sở còn nhiều lúng túng, nhất là trong giai đoạn đầu do cấp trên chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Nhận thức của các cấp ủy vẫn chưa đồng đều, công tác chỉ đạo chưa đậm nét, thiếu chiều sâu. Sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể và chính quyền trong tham mưu và tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý còn nhiều còn hạn chế. Công tác giám sát bước đầu có kết quả tốt, song chất lượng phản biện xã hội chưa cao. Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân: Do là chủ trương mới nên cần phải có thời gian để nghiên cứu, tổ chức thực hiện; nhận thức của cấp ủy chưa theo kịp với yêu cầu, vẫn còn có tâm lý “ngại va chạm” trong việc tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện và góp ý; kinh nghiệm và năng lực của một bộ phận cán bộ còn nhiều hạn chế; điều kiện về kinh phí còn khó khăn.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW trong thời gian tới, đồng chí Phạm Quý đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, sát với thực tiễn và có tính khả thi cao đối với các kế hoạch về công tác giám sát, phản biện, góp ý xây dựng đảng, chính quyền. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như thực hiện đầy đủ các quy định của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện 02 quyết định nói trên. Tiếp tục tăng cường dân chủ xã hội, huy động mọi lực lượng trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ. Kịp thời phát hiện tuyên dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho các hoạt động giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Tin và ảnh: Vũ Lê Tâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất