Thứ Bảy, 4/1/2025
Quảng Ninh: Đổi mới công tác dân vận, hướng về cơ sở

Nổi bật phải kể đến sự phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH từ công tác tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận, phản ánh thông tin đa chiều, kịp thời đến các tầng lớp nhân dân cũng như thực hiện hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết đánh giá 2 năm thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp huyện. Theo đó, cơ quan khối đã tạo sự thống nhất về nhiệm vụ có sự phân công cơ quan chủ trì; về chế độ thông tin báo cáo, tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết, lựa chọn mô hình chỉ đạo, tài chính... được thực hiện tốt. Đồng thời, từng tổ chức đã lựa chọn, xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, đảm bảo phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Tính liên minh chính trị của MTTQ và các tổ chức CT-XH không ngừng được nâng lên, tránh được sự chồng chéo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.


 Tiểu ban Văn phòng, Cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể CT-XH huyện Ba Chẽ,
triển khai nhiệm vụ năm 2018

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các đề án về công tác dân vận, như: “Tăng cường công tác dân vận trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh”, “Tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công” đã huy động sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động chỉ đạo thực hiện cơ chế đặt hàng trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia GPMB. Qua đó, góp phần thống nhất quy trình, cách thức tổ chức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác đền bù GPMB. 14/14 địa phương đã xây dựng quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đặc biệt một số địa phương xây dựng quy định về việc tiếp thu ý kiến của MTTQ và các tổ chức CT-XH, nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh tại cơ sở.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực. Năm qua, toàn tỉnh có 2.705 điển hình “Dân vận khéo” đăng ký các cấp. Qua thẩm định đã lựa chọn 922 điển hình “Dân vận khéo” đề nghị UBND các cấp khen thưởng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, khẳng định: 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra. Đây là động lực để công tác dân vận của hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định chủ đề công tác dân vận năm 2018 là “Năm công tác dân vận chính quyền gắn với bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”. Từ đây, tập trung sự lãnh đạo của các cấp uỷ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận. Đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan nhà nước để mỗi cán bộ, đảng viên, CC,VC phải thực sự “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”...


Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí,
hướng dẫn người dân tra cứu thông tin giải quyết thủ tục hành chính

Theo đó, chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, ban dân vận, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp chú trọng lựa chọn những mô hình hay, rõ nội dung để vận động theo hướng chuyên sâu, hiệu quả; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Dân vận khéo”. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính; chú trọng công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cùng với đó, nhân rộng cơ chế đặt hàng của cấp ủy, chính quyền đối với cơ quan khối MTTQ và các tổ chức CT-XH; rà soát, bổ sung quy chế, quy định, tháo gỡ vướng mắc về tổ chức, bộ máy, biên chế, hoạt động của cơ quan khối cấp huyện; hoàn chỉnh và triển khai Đề án Cơ quan khối MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp tỉnh, mở rộng mô hình cơ quan khối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 16/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất