Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng, năm 2017, với khối lượng công việc nhiều, có những nhiệm vụ mới, khó; điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, các cấp Hội nông dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều kết quả nổi bật:
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội tiếp tục triển khai sâu, rộng; vận động hơn 277.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cuối năm bình xét có trên 175.000 hộ đạt danh hiệu (đạt 63% so với số đăng ký).
Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố đã thu hồi 125,495 tỷ đồng vốn đến hạn của trên 11.000 hộ tham gia 292 dự án; chỉ đạo giải ngân giám sát 389 dự án với số tiền 136,367 tỷ đồng cho 8.344 hội viên vay; triển khai mới 30 mô hình điểm vay vốn (trong đó có 18 mô hình kinh tế tập thể).
Hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện uỷ thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tính đến hết tháng 11-2017, tổng dư nợ đạt trên 1.252 tỷ đồng cho 56.487 hộ vay vốn.
Thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội chỉ đạo xây dựng 469 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; các chi hội đã nhận 2.174 đoạn đường tự quản bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức hàng chục nghìn lớp truyền thông, tập huấn tới hàng trăm nghìn hội viên, nông dân về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, xây dựng nông thôn mới.
|
Quang cảnh buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải |
Những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra là công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Tại một số ít cơ sở, cán bộ Hội chưa chủ động tham mưu với cấp uỷ giải quyết những băn khoăn, bức xúc của nông dân, đề xuất trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn...
Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Hội Nông dân thành phố đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và một số đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về vốn để triển khai kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện và phát huy vai trò của Hội trong xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ nông sản...
Sản phẩm có nhãn hiệu nhưng sức tiêu thụ còn khó khăn
Là người đầu tiên nêu các kiến nghị, đề xuất tại buổi gặp gỡ, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì mong muốn thành phố có một số chính sách hỗ trợ cụ thể với các mô hình kinh tế, chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Thành, hiện nay nhiều sản phẩm có nhãn hiệu dù đã được công nhận nhưng sức tiêu thụ còn khó khăn.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ nêu thực trạng sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết và chưa tìm được nhiều đầu ra. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm truyền thống, được duy trì nhiều năm cũng như hỗ trợ sản xuất tem mác, nhãn hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; thường xuyên tư vấn, cung cấp cho nông dân các kiến thức để đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho thương hiệu, sản phẩm của mình.
"Từ thực tế tổ chức khu chăn nuôi 70.000-80.000 con lợn từ năm 2010, tôi gặp nhiều khó khăn về thủ tục vay ngân hàng. Khi đó, phòng Tài nguyên Môi trường đã nêu ra tiêu chí vay vốn phải có "sổ đỏ" nhưng tại xã, số hộ có "sổ đỏ" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đi làm các thủ tục, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về giấy tờ" - ông Nguyễn Văn Luân, Hội viên Hội Nông dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ |
Trên cơ sở đó, ông Luân đề nghị phòng Tài nguyên Môi trường thị xã bãi bỏ bớt các giấy phép "con" để ủng hộ người chăn nuôi, bởi nếu không, nhiều hộ sẽ lâm vào cảnh không thể hoạt động, dẫn đến vỡ nợ.
Một số đại biểu khác kiến nghị về tình trạng nước thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ, sông Vân Đình... Đại diện Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đề nghị thành phố xây dựng trạm kiểm soát nước thải, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong giám sát ô nhiễm nguồn nước...
"Cứ có sản phẩm tốt là tiêu thụ được!"