|
Quang cảnh hội nghị
|
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…
Hội nghị đã nghe các báo cáo về Công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Sơ kết 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Các báo cáo thống nhất, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới... Nhưng về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng Đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm…
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí, việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông.
Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, rõ nét, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19; chú trọng đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội…
Việc thực hiện 10 điều Qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được các cấp hội quan tâm, triển khai đến từng chi hội, hội viên, góp phần nâng cao nhận thức của người làm báo về vai trò, trách nhiệm chính trị, sứ mệnh của báo chí cách mạng; góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
|
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo đúng phương án của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.
Thực hiện quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo) thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%). Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ đã cấp phép chặt chẽ, tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng, tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí in và điện tử; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.
Các báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác báo chí, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2022.
Hội nghị đã dành thời gian để đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.
Thay mặt Chính phủ phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những kết quả, đóng góp của công tác thông tin, truyền thông và các cơ quan báo chí cả nước đã đồng hành, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước. Phó Thủ tướng cho rằng năm 2021 công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí đã được thực hiện hiệu quả nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí và nhấn mạnh tinh thần quy hoạch là để báo chí phát triển hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông phải tạo điều kiện, “đặt hàng” thông tin của báo chí, không chỉ những cơ quan báo chí lớn, mà cả các cơ quan báo chí với những nhóm độc giả chuyên biệt. Quan trọng nhất là cung cấp thông tin cho nhiều đối tượng, những nhóm đặc thù, người dân, để chủ trương, chính sách đến đúng đối tượng cần thông tin, tuyên truyền. Các cơ quan Nhà nước phải minh bạch, có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí nhanh nhất, thuận lợi nhất; hỗ trợ báo chí triển khai số hóa hoạt động truyền thông để nâng cao tính cạnh tranh, khả năng thông tin, hướng dẫn, định hướng của báo chí…
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận trong năm 2021, báo chí đã vào cuộc hết sức chủ động, tích cực, mang tính định hướng cao, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, đóng góp rất lớn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân, sứ mệnh của báo chí là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp thông tin đến mọi người dân. Báo chí phải hướng tới chân thiện mỹ, văn hóa, phát huy tinh thần đại đoàn kết, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Kiên quyết khắc phục tình trạng rời xa tôn chỉ mục đích, lợi ích nhóm, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, định hướng báo chí, để hạn chế, khắc phục những yếu kém, tồn tại mà hội nghị đã chỉ ra. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.
Các cơ quan quản lý, chủ quản, lãnh đạo báo chí cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức cần thiết để người làm báo phát huy tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới của đất nước.
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.
Phan Thanh