Thứ Sáu, 1/11/2024
Toàn văn Thông báo Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
 
 Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI diễn ra từ 11 đến 13/1/2016.
 (Ảnh: Hiền Hòa)

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 11 đến ngày 13-01-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ 14 để: Thảo luận, thông qua chủ trương ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khoá XII; thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc và phiên bế mạc Hội nghị.

1- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về kết quả đàm phán và xin chủ trương về ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định : Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đây. Việc nước ta tham gia đàm phán TPP thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các thể chế kinh tế đa phương, góp phần xây dựng quan hệ kinh tế công bằng, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; xuất phát từ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước, triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan, trực tiếp là Đoàn đàm phán trong đàm phán, thương lượng để đi đến tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Quá trình và kết quả đàm phán Hiệp định TPP đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, tuân thủ đúng quan điểm, nghị quyết của Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao, đề ra các mục tiêu, nguyên tắc lớn để định hướng việc đàm phán ngay từ đầu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, tham gia Hiệp định TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam, tạo thêm cơ hội để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, việc tham gia TPP tạo ra cơ hội để nước ta tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững. Việc tham gia TPP cũng sẽ giúp GDP, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng đáng kể; tạo thêm cơ hội tham gia các chuỗi sản xuất, tiêu thụ quốc tế và khu vực; góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo.

Thảo luận kỹ về những khó khăn, thách thức khi tham gia Hiệp định TPP, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá trong TPP tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là với ngành nông nghiệp; một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Tham gia Hiệp định, chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động... Việc thực hiện các quy định về lao động trong Hiệp định TPP cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động có liên quan đến quan hệ lao động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương nhận định, cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại cho nước ta là rất lớn và cơ bản, song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do Hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 02-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP.

2- Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khoá XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khoá XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

3- Ban Chấp hành Trung ương thảo luận kỹ, biểu quyết thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII của Đảng trình Đại hội xem xét, quyết định.

Từ thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương tin tưởng chắc chắn và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới, những thành quả quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, tích cực phấn đấu, thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 13/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất