Thứ Sáu, 1/11/2024
Một số văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành

1- Hỗ trợ huấn luyện người lao động

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Trong đó, Nghị định quy định hỗ trợ huấn luyện người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Cụ thể, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Mỗi đối tượng được hỗ trợ chi phí huấn luyện 1 lần đối với một công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; đối tượng được hỗ trợ khi tham gia đầy đủ chương trình, thời gian huấn luyện, được kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn; việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp cho người lao động hoặc hỗ trợ thông qua Tổ chức huấn luyện.

Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Hàng năm, căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và dự kiến số người lao động tham gia huấn luyện, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho các đối tượng quy định trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2- Trợ cấp 1 lần cho người có thành tích tham gia kháng chiến

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được trợ cấp một lần.

Cụ thể, mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh là 1.210.000 đồng.

Quyết định nêu rõ, người có Bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định này thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp theo quy định trên. Không giải quyết mức trợ cấp một lần đối với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm chi trả trợ cấp theo quy định trên.

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp gồm: 1- Bản khai cá nhân của người được tặng Bằng khen. Trường hợp người có bằng khen đã từ trần, Bản khai cá nhân của đại diện thân nhân kèm biên bản ủy quyền (theo Mẫu UQ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013). Thân nhân của người có bằng khen từ trần là một trong những người sau: vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi của người từ trần.

2- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh hoặc Quyết định khen thưởng.

Người có bằng khen hoặc đại diện thân nhân lập bản khai kèm giấy tờ quy định trên gửi UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người có bằng khen (hoặc UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu cuối cùng của người có bằng khen đã từ trần).

3- Lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng. 3 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ chức đối thoại theo quy định tại Khoản 3 Điều 88 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Các cơ quan, tổ chức có thành viên nêu trên có trách nhiệm cử thành viên tham gia Hội đồng; tạo điều kiện cho thành viên tham gia Hội đồng làm việc và tuân thủ quy chế làm việc của Hội đồng; thông báo bằng văn bản cho Hội đồng khi có thay đổi nhân sự tham gia Hội đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm làm đầu mối cho Hội đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng; chủ trì xây dựng, trình Chủ tịch Hội đồng ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Hội đồng, kết luận và các văn bản khác của Hội đồng; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai các văn bản này; chuẩn bị nội dung và điều kiện cần thiết phục vụ các phiên họp của Hội đồng...

4- Đào tạo nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho khoảng 1000 người, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp

Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình cũng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ hỗ trợ thiết kế, xây dựng bộ công cụ tra cứu, các gói thông tin sở hữu trí tuệ chuyên ngành và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ: Tổ chức bộ phận chuyên môn về tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai quy trình phát hiện, thống kê, đánh giá, quản lý tài sản trí tuệ.

Chương trình cũng hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ. Theo đó, đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, kiểu dáng sản phẩm và giống cây trồng mới; quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, Chương trình sẽ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ của Việt Nam ở trong và ngoài nước; hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thành lập và vận hành các doanh nghiệp, tổ chức khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ...

Hà An (tổng hợp)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất