Thứ Ba, 26/11/2024
Giải quyết khiếu nại tố cáo phải bắt đầu từ đối thoại nhân dân

Tham gia vào nội dung này, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khá toàn diện tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như những nguyên nhân phát sinh tình trạng này. Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ từ năm 2011 đến nay, số vụ khiếu nại tố cáo liên tục giảm, nhiều năm giảm sâu so với năm 2011. Đặc biệt, số vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước năm nay chỉ bằng 40% của năm 2011. Cụ thể, số vụ việc phát sinh năm 2011 là 77.786 vụ thì năm 2017 là hơn 31.000 vụ.


 Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu tại hội trường


Đánh giá cao kết quả nêu trên, song đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có phân tích sâu hơn về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Trong đó, thực tế còn một số vụ việc gây bức xúc dư luận, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp và kéo dài, vượt cấp. Để xảy ra tình trạng trên, đại biểu Võ Đình Tín nhìn nhận nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu nằm ở công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập. Thậm chí, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến mất lòng tin của nhân dân vào đội ngũ công quyền nói chung và đội ngũ giải quyết khiếu nại tố cáo nói riêng.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, mặc dù năm 2017 công tác khiếu nại tố cáo đã giảm cả 3 tiêu chí gồm: số đơn phải giải quyết, số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và số lượt người khiếu kiện, song nhìn chung hoạt động này vẫn còn một số bất cập. Đặc biệt, trong tổng số đơn gửi cơ quan có thẩm quyền, khiếu nại liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp quyền sử dụng đất…đang chiếm một tỷ lệ rất cao. Qua thực tế giám sát tại địa phương, đại biểu đánh giá, sở dĩ khiếu kiện trong lĩnh vực này chiếm đa số do công tác lập quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với doanh nghiệp, tổ chức...

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển hạ tầng, lẫn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, cấp đổi quyền sử dụng đất… để khắc phục tình trạng người dân không chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng trong phạm vi quy hoạch.

Bày tỏ sự không đồng tình trước một số vụ khiếu kiện kéo dài, đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: “Không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại”. Theo đại biểu, trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, điều quan trọng không phải là thành tích làm được bao nhiêu mà ngược lại các cơ quan nhà nước còn nợ dân bao nhiêu, chừng nào giải quyết xong.


 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhìn nhận một bộ phận cán bộ xa dân chính là nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vừa qua. “Việc trong dân thì xảy ra hàng ngày, có việc nhỏ, việc lớn, có việc bức xúc, phức tạp. Vấn đề là cán bộ có sâu sát, gần dân, nắm bắt các vấn đề, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại và giải quyết vấn đề của dân ngay ở cơ sở hay không”, đại biểu nói.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng câu chuyện ông Nguyễn Phú Cường – Bí tư Tỉnh uỷ Đồng Nai cách đây đúng một tuần đối thoại với gần 300 tiểu thương. Sau vài giờ đối thoại, nhiều chính sách, pháp luật đã được giải thích, nguyện vọng của tiểu thương được giải quyết, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm dân khiếu nại. Nhiều vụ việc cũng được giải quyết sau những buổi đối thoại ở một số địa phương. Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính và coi đây là một trong những nội dung công tác cần đưa vào đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao. Ngoài ra, Quốc hội cần luật hóa và sớm chính thức quy định về trách nhiệm đối thoại của người đứng đầu chính quyền, nhất là UBND cấp huyện, xã với người dân định kỳ 1 năm/lần./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 7/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi