Sáng 2/2, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo tiền bối của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại diện các cơ quan của Đảng dự Lễ kỷ niệm |
Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định và gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm do Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh trình bày ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương có nhiều truyền thống quý báu, được nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho, yêu nước, thương dân, Nguyễn Đức Cảnh đã sớm hình thành chí khí, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng.
|
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm |
Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh tham dự khoá huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tiếp xúc với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam, con đường giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh.
Trở về nước, tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 3/1929, tại số nhà 5D - Phố Hàm Long (Hà Nội), Nguyễn Đức Cảnh và một số hội viên ưu tú trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng và xuất bản báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đồng chí đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân Bắc kỳ. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, xuất bản báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ cùng với những kinh nghiệm thành lập của tổ chức này là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của tổ chức công hội ở các địa phương trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những người sáng lập ra Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.
|
Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm |
Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự kiện tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ phản ánh kết quả hoạt động tích cực trong phong trào công nhân mà còn khẳng định đóng góp có ý nghĩa to lớn của đồng chí trong tiến trình vận động thành lập Đảng, là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức, cơ sở đảng ở Bắc kỳ nói chung và trong công nhân vùng Đông Bắc nói riêng; đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo.
Cuối tháng 4/1931, trên đường về cơ sở, đồng chí bị kẻ thù bắt tại làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Hưng Thuỷ - Thành phố Vinh), sau đó bị giải về nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.
5h sáng 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang bước lên máy chém tại pháp trường bên bờ sông Lấp, trước cửa nhà Lao Hải Phòng. Cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng của tinh thần yêu nước và giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, về ý trí và tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn vinh và noi theo những người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, 88 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đang dồn sức tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với những hành động thiết thực để đạt được mục tiêu: “Tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng để xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Mai Đức, thay mặt các thế hệ đảng viên trong tỉnh phát biểu, bày tỏ lòng tri ân, nguyện dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, luôn xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước, gương mẫu học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên trì đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên, chấp hành nghiêm chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chị Phan Thí Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy, đại diện thế hệ trẻ phát biểu, bày tỏ thế hệ trẻ sẽ phát huy truyền thống anh hùng và noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không ngừng nỗ lực học tập, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, tham gia phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chung sức trẻ tích cực tham gia xây dựng phong chào nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị./.
Nguồn: vov.vn, ngày 2/2/2018