Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng; tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội; xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Sáng 19-5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Theo đó, kỳ họp thứ 5 khai mạc vào sáng ngày 21-5 tại Nhà Quốc hội.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong 20 ngày (không kể ngày nghỉ); kỳ họp bế mạc vào ngày 15-6.
Thông báo nội dung kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. Một trong những hoạt động giám sát tối cao đáng quan tâm là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Với Luật Tố cáo (sửa đổi), dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo luật đã được bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Còn về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp này tập trung vào những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và những nguyên tắc áp dụng Luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật.
Trong số các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến đáng chú ý có dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Văn phòng Quốc hội cho biết dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là bài học trong công tác lựa chọn các đại biểu Quốc hội đủ tài, đức trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn