Thứ Hai, 30/12/2024
Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Quyết định 1072/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2018 và thay thế Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 1075/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Căn cứ Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.

Trung Kiên

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi