Mức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều kiện của người sử dụng lao động khi tiếp nhận hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động,... là những điểm mới sắp có hiệu lực.
Mức đóng Bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:
Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.
Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện.
Nghị định quy định người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội (hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7.
Tiếp nhận hỗ trợ đào tạo cho người lao động
Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực ngày 15/7.
Về điều kiện của người sử dụng lao động khi tiếp nhận hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động qua đó duy trì việc làm, Nghị định 61/2020/NĐ-CP đã bổ sung như sau:
Người sử dụng lao động gặp khó khăn thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1.000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo hướng dẫn của Nghị định 61/2020/NĐ-CP, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
(laodong.vn)