Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-6-2015

Nghị quyết 19 của Chính phủ: Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nhập cuộc

Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với dự án của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 18-6 tại Hà Nội đưa ra nhận định: Sau 3 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 19 vẫn có sức ỳ khá lớn ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, địa phương và yêu cầu, đến 30-4-2015 các đơn vị phải có kế hoạch, chương trình hành động. Tuy nhiên, thống kê đến hiện tại, mới có 11 bộ và 11 UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch hành động. Có 14 bộ giao nhiệm vụ nhưng chưa có kế hoạch hành động, 52 UBDN tỉnh chưa có kế hoạch hành động, trong đó bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh là địa phương được Ngân hàng Thế giới chọn để điều tra đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Một số bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiểu đúng phương pháp và ý nghĩa của các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và tích cực chủ động thực hiện các giải pháp.

Đại diện CIEM cho biết, bên cạnh những đơn vị triển khai tích cực, một số bộ và hầu hết các địa phương chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 19, do đó việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát chỉ tiêu theo yêu cầu.

Hầu hết kế hoạch hành động của các bộ chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá kế hoạch hành động của UBND các tỉnh chưa bám sát các chỉ tiêu và thông lệ quốc tế, chưa nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng chưa hiểu rõ các chỉ tiêu đề ra, khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị thường chung chung và không có lộ trình cụ thể. Cùng với đó, nhiều đơn vị cũng chưa chủ động triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện các giải pháp.

Hội thảo cũng nhận định vẫn còn nhiều thủ tục gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như vướng mắc về hải quan điện tử, kiểm dịch hàng hóa, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng kiểm dịch;…

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Bên cạnh việc rà soát các thủ tục hiện tại, cần kiểm soát chặt việc xuất hiện dòng chảy các quy định mới bồi đắp thêm, phát sinh thủ tục, chi phí ngấm ngầm đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 19, vì các lợi ích cá nhân, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp". CIEM sẽ thu thập các ý kiến phản hồi để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch: Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn I (2011-2015)

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn I (2011-2015) và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn II (2016-2020). Hội nghị do Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì.

Báo cáo sơ kết cho biết, việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã bám sát 6 nhiệm vụ của Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Bộ đã xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch cải cách hành chính với 07 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; và công tác chỉ đạo điều hành.

Công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng trình tự, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp; các thủ tục hành chính đã được thống kê đơn giản và gọn nhẹ; được rà soát nhiều lần, từng bước loại bỏ được các giấy tờ không cần thiết, tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ máy tổ chức tiếp tục được sắp xếp hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp và gọn nhẹ. Việc ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được quy định cụ thể, rõ ràng, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp; sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, hàng năm đều được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác tuyển dụng công chức, viên chức đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức tuyển dụng, đặc biệt đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chấm điểm; công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước gắn với vị trí việc làm; công tác đánh giá, khen thưởng cơ bản đã đúng người, đúng việc; công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý ở đơn vị sự nghiệp tiếp tục được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã cải tiến được lề lối làm việc và giúp lãnh đạo đơn vị kiểm soát được quy trình chất lượng, thời gian giải quyết công việc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực tham gia ý kiến, trình bày tham luận đóng góp cho dự thảo Báo cáo và nêu những kiến nghị, đề xuất thực hiện trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung như: tăng cường công tác cải cách thể chế; tăng cường phân cấp giao quyền trong bộ máy tổ chức quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với chế độ đãi ngộ; bổ sung trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý…

Giám sát về việc “chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và thu thuế giai đoạn 2011-2014”

Sau khi giảm được gần 300 giờ khai, nộp thuế trong năm 2014, nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan Thuế là tiếp tục hoàn thiện về thể chế để đáp ứng yêu cầu cải cách, loại bỏ các quy chế, quy trình cản trở tiến trình.

Báo cáo kết quả giám sát về việc “chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và thu thuế giai đoạn 2011-2014” của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng các ngành liên quan đã nỗ lực tổ chức xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các luật về thuế và Luật Quản lý thuế, về cơ bản đầy đủ, kịp thời, đảm bảo các nội dung sửa đổi các luật về thuế sớm đi vào thực tế,...

Bên cạnh những mặt được, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục như: Việc hệ thống hóa các chính sách về thuế còn chậm, dẫn đến chồng chéo, khó tra cứu,...
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các cơ quan quản lý thuế cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các luật về thuế trên cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; công khai tại trụ sở cơ quan Thuế các cấp, các tụ điểm đông dân cư, trên Trang thông tin điện tử ngành Thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế một cách toàn diện, để giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, triển khai rộng rãi việc đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử; tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm những công chức, viên chức thuế tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Hà Nội: Ban hành bộ chỉ số cải cách hành chính áp dụng nội bộ thành phố trước ngày 15-7

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác xây dựng "Chỉ số cải cách hành chính áp dụng nội bộ thành phố" về kết quả triển khai thí điểm xác định chỉ số này và phương hướng thời gian tới.

Báo cáo của tổ công tác cho biết, đến nay, 10 cơ quan, đơn vị làm điểm đã triển khai tự đánh giá, chấm điểm chỉ số này theo yêu cầu của thành phố và hướng dẫn của tổ công tác. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã hoàn thành việc phát phiếu, thu phiếu kết quả điều tra xã hội học. Hiện, Viện đang triển khai nhập dữ liệu kết quả điều tra để tính điểm điều tra. Từ nay đến hết tháng 7-2015, tổ công tác sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thí điểm để hoàn thiện và trình UBND thành phố quyết định ban hành chỉ số cải cách hành chính áp dụng nội bộ thành phố.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn ghi nhận những cố gắng của các thành viên tổ công tác, 10 cơ quan thí điểm và các đơn vị liên quan. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, thời gian tới Sở Nội vụ phân công nhiệm vụ cụ thể hơn đối với các thành viên tổ công tác theo lĩnh vực phụ trách, góp ý về các kết quả điều tra xã hội học... Bên cạnh đó, tổ công tác cần chủ động đi thực tế học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, thành phố để hoàn thiện lại kết quả đánh giá. Văn bản dự thảo báo cáo này và dự thảo quyết định ban hành bộ chỉ số cải cách hành chính sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị có cả sự tham gia góp ý của các chuyên gia, sở, ngành liên quan... để bộ chỉ số phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô. Dự kiến, trước 15-7-2015, thành phố có thể ban hành bộ chỉ số này, chính thức áp dụng từ năm 2016.

Công chức trẻ góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính

Tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nội vụ tổ chức Diễn đàn nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trẻ cấp xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thực hiện cải cách hành chính. Diễn đàn có sự tham dự của 108 đội viên thuộc Đề án Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500).

Tại Diễn đàn, các trí thức trẻ chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi về công tác tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm, đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính ở cấp xã. Nhiều trí thức trẻ đã trình bày các giải pháp như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ; Ứng dụng công nghệ trong thực hiện quản lý về địa chính, chế độ - chính sách xã hội, tài chính - kế toán… từ đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp các UBND cấp xã hoạt động hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn/ Đức Toàn, ngày 22/6/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất