|
Toàn cảnh Lễ bế mạc Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. |
Tham dự phiên bế mạc, có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.
Ðọc diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Kỳ họp thứ chín, QH khoá XIV đã làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng, hiệu quả và kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Tại kỳ họp này, QH đã dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước. Đánh giá bổ sung về kết quả năm 2019 cho thấy, năm qua mặc dù vẫn còn khó khăn, song nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi để bước vào năm 2020.
Tuy vậy, trong những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân. Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của QH, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã chủ động đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn…
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Đây là lần đầu tiên QH họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Việc bố trí khoảng thời gian giữa hai đợt họp đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình QH biểu quyết thông qua. Tổng thời gian làm việc của cả hai đợt họp lần này chỉ kéo dài trong 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung, trong đó có những nội dung cấp bách, quan trọng trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, được các vị đại biểu QH, dư luận và cử tri đánh giá cao. Việc tổ chức thành công kỳ họp này sẽ tạo niềm tin, động lực để chúng ta tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của QH trong thời gian tới…
Trong những tháng còn lại của năm 2020, nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn và cũng cần phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hơn lúc nào hết, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân không lơ là, chủ quan, phải tiếp tục bám sát nắm bắt tình hình, nêu cao trách nhiệm, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển năm 2020 và kế hoạch năm năm 2016-2020, tiếp tục giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, hải đảo, làm tiền đề để nước ta bước vào giai đoạn mới vững chắc hơn.
Đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được QH thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý.
Ngay sau bế mạc kỳ họp này, Chủ tịch QH đề nghị các vị đại biểu QH báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu Nhân dân.
Đầu giờ chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH trình QH thông qua. Các đại biểu biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung của dự thảo luật này với 422 đại biểu tán thành, bằng 87,37% tổng số đại biểu QH.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo luật với những lý do nêu trong Báo cáo giải trình của Ủy ban TVQH; có ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi của dự thảo luật còn hẹp, cần nghiên cứu mở rộng thêm để khắc phục các vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Ủy ban TVQH thấy rằng, ý kiến của đại biểu QH đều thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao đối với việc tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.
Tuy nhiên, như đã báo cáo với QH, trong những nội dung đại biểu QH kiến nghị, có nội dung chịu sự điều chỉnh của các quy định Hiến pháp năm 2013, có nội dung đang được quy định ở các đạo luật khác và cần được xem xét khi sửa đổi các luật này, có nội dung lại thuộc vấn đề tổ chức thực hiện luật nên không thể đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH lần này.
Bên cạnh đó, Luật Tổ chức QH hiện hành mới thực hiện được hơn bốn năm và đang phát huy hiệu quả tích cực trên cả ba chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Vì vậy, Ủy ban TVQH xin phép QH cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH như dự thảo luật.
Có ý kiến đề nghị quy định QH một năm họp bốn kỳ; bổ sung quy định về hình thức họp trực tuyến và địa điểm họp QH cho phù hợp tình hình thực tế vừa qua. Theo báo cáo, quy định tại Điều 83 của Hiến pháp thì QH họp mỗi năm hai kỳ. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng kỳ họp, Ủy ban TVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để QH có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức kỳ họp.
Việc tổ chức kỳ họp QH thành hai đợt, vừa họp trực tuyến, vừa họp tập trung, có khoảng giãn cách ở giữa như tại kỳ họp thứ chín này cũng là một trong những cải tiến được nhiều đại biểu QH hoan nghênh,đã đạt được một số kết quả bước đầu và vẫn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, hình thức họp trực tuyến của QH, các Ủy ban của QH và nhiều cải tiến khác trong cách thức tổ chức kỳ họp QH mới được đưa vào áp dụngnên cũng cần thêm thời gian để tiếp tục trải nghiệm,điều chỉnh, rút kinh nghiệm và có thể đưa vào Nội quy kỳ họp QH hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Về việc chuyển Ban thuộc Ủy ban TVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc QH; về vấn đề này, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc QH để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Trong khi chưa xác định được phương án thực sự hợp lý, có tính thuyết phục và đồng thuận cao, Ủy ban TVQH xin phép QH cho giữ quy định về địa vị pháp lý của các Ban như Luật Tổ chức QH hiện hành. Để nâng cao hiệu quả của công tác đại biểu dân cử, công tác dân nguyện, trong thời gian tới, Ủy ban TVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để cải tiến về quy trình, cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này, quy định về chế độ, chính sách hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, có ý kiến đề nghị luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu QH khóa XV. Ủy ban TVQH nhận thấy ý kiến này là hợp lý và xin được tiếp thu, chỉnh lý lại quy định tại Điều 2 của dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số
cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết này với kết quả: 445 đại biểu tán thành, bằng 92,13% tổng số đại biểu QH.
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; có ý kiến tán thành việc thí điểm cho phép thành phố được điều chỉnh quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại đề nghị chỉ cho phép thành phố Đà Nẵng được thí điểm điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, đối với việc điều chỉnh quy hoạch thành phố thì thực hiện theo Luật Quy hoạch hiện hành.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu QH, dự thảo nghị quyết đã chỉnh lý theo hướng không giao thành phố thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung; đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, dự thảo nghị quyết quy định trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (Điều 8).
Dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, tại hội trường, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030; Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. QH biểu quyết thông qua nghị quyết này với kết quả 452 đại biểu tán thành, bằng 93,58% tổng số đại biểu QH.
Tiếp theo, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết về nội dung này. Sau đó, QH biểu quyết thông qua nghị quyết với kết quả 445 đại biểu tán thành, bằng 92,13%.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV; và dự thảo nghị quyết này. QH biểu quyết thông qua nghị quyết với 443 đại biểu tán thành; bằng 91,72% tổng số đại biểu QH.
Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban TVQH, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để sớm đưa các luật, nghị quyết đã được QH thông qua đi vào cuộc sống; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu QH để hoàn thiện các dự án luật đã được QH cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình QH tại kỳ họp thứ 10 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của QH. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của QH.
* Chiều cùng ngày, tại Nhà QH, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV; và công bố Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Báo cáo tại buổi họp báo nêu rõ, tại kỳ họp này, QH đã xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng và thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến sáu dự án luật khác. Đây là những luật, nghị quyết quan trọng liên quan các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều và nhiều nội dung khác, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 gây ra.
QH giao Ủy ban TVQH, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống...
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc trả lời một số câu hỏi mà phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế quan tâm. Ðồng thời, gửi lời chúc mừng tới các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, thông tấn nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).
(nhandan.com.vn)