Thứ Sáu, 29/11/2024
Những kết quả bước đầu về cải cách hành chính ở Hà Nội
 
Người dân khai thông tin qua mạng để làm giấy khai sinh tại UBND
phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) . 

Việc cải cách quyết liệt những thủ tục hành chính theo hướng tăng cường thủ tục liên thông, dịch vụ công trực tuyến, đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị ở Hà Nội theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình “số hóa” cũng bộc lộ không ít bất cập, đòi hỏi thành phố phải nỗ lực triển khai các giải pháp tổng thể.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Gần cuối giờ chiều, không khí làm việc tại bộ phận “Tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính” của UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) vẫn rất nghiêm túc. Hai người dân vừa nộp hồ sơ chia sẻ với chúng tôi: "Cứ sợ đến muộn sẽ không được tiếp nhận hồ sơ, cán bộ lại càu nhàu, ai ngờ các chị vẫn vui vẻ giải quyết". Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ Trần Văn Hoàn vừa ký duyệt hồ sơ vừa nói: "Các anh chị yên tâm, giờ không còn tình trạng hết giờ thì nghỉ. Công dân đến là chúng tôi còn làm việc".

Anh Trần Văn Chiến, ở tổ dân phố số 4 phố Miêu Nha, phường Tây Mỗ đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con gái mới chào đời, được cán bộ hướng dẫn tận tình cách khai thông tin trên trang web www.egov.hanoi.gov.vn vào máy tính đặt tại bộ phận “một cửa”. Sau khi đối chiếu thông tin với các giấy tờ liên quan, cán bộ hẹn anh Chiến năm ngày sau sẽ cấp đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho con gái. Trước đây, để làm những thủ tục này phải mất 20 ngày. Anh Chiến cho biết: "Để làm ba loại giấy tờ này, nếu không có thủ tục liên thông tôi phải mất gần một tháng đến ba cơ quan khác nhau. Giờ đăng ký trực tuyến trước, tôi chỉ cần đi một lần, đến một nơi, chờ một lúc là xong”. Theo Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ Trần Duy Hải, không chỉ dừng lại ở việc triển khai dịch vụ công mức độ 3, từ trung tuần tháng 8, phường Tây Mỗ tiếp tục nâng cấp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tức là trả kết quả tại nhà cho công dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, việc triển khai hệ thống dịch vụ công mức độ 3 cấp phường không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, mà còn nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhanh chóng, khoa học cho chính quyền cơ sở. Sau thời gian thí điểm tại hai quận Nam Từ Liêm và Long Biên, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã bảo đảm cả ba tiêu chí cải cách hành chính, đó là giảm thời gian giải quyết, giảm số lượt đi lại của người dân và giảm hồ sơ giấy tờ. Đây là cơ sở để Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên toàn thành phố. Từ ngày 10-8, hệ thống này được sử dụng tại 144 phường thuộc 10 quận còn lại và đến hết năm 2016 sẽ triển khai tại tất cả 584 xã, phường.

Hà Nội đặt ra những mục tiêu cụ thể trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính. Không chỉ trong lĩnh vực tư pháp, những lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, giáo dục - đào tạo, quản lý đất đai, xây dựng, điện, quản lý dân cư... cũng đang được “số hóa”, đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến, liên thông một cửa. Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã dành riêng một khu vực, bố trí các máy tính kết nối mạng in-tơ-nét và đội ngũ cán bộ trẻ trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp tới đăng ký. Sau khi kê khai các thông tin qua mạng tại bất cứ đâu, doanh nghiệp chỉ cần cầm hồ sơ gốc tới để đối chiếu là được nhận giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số, thì không cần nộp hồ sơ gốc. Nhờ sự tiện lợi này, từ chỗ chỉ có từ 1-2% số doanh nghiệp sử dụng hình thức đăng ký qua mạng, sau một tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký qua mạng tăng lên khoảng 30%. Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 1 Phạm Thị Kim Tuyến cho biết, các phần mềm đăng ký qua mạng sau khi được chỉnh sửa đã thân thiện hơn, ngày càng thu hút doanh nghiệp sử dụng. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, chờ đợi, hạn chế tình trạng quá tải tại các phòng đăng ký.

Trong lĩnh vực thuế - hải quan, Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu nộp hồ sơ kê khai qua mạng do Tổng cục Thuế giao, vượt chỉ tiêu cả về tỷ lệ và thời hạn. Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai các thủ tục hải quan điện tử tại tất cả chi cục, với tỷ lệ tờ khai chiếm 99,5% so với tổng số tờ khai phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu... Trong lĩnh vực giáo dục, mùa tuyển sinh năm nay, Hà Nội chính thức triển khai tuyển sinh đầu cấp qua mạng, chấm dứt cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy, chờ đợi nộp hồ sơ xin học cho con, đồng thời, việc công khai, minh bạch trong công tác tuyển sinh cũng làm hạn chế tình trạng tiêu cực, “chạy” trường…

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công, thành phố Hà Nội gặp không ít khó khăn. Hệ thống máy tính, đường truyền nhiều khi hoạt động thiếu ổn định, trang web quá tải do nhiều người truy cập cùng lúc. Từ ngày 1-8 đến nay, hệ thống đăng ký doanh nghiệp trực tuyến phải tạm dừng vì trục trặc, đang trong quá trình khắc phục. Trong hai ngày đầu tuyển sinh đầu cấp qua mạng, nhiều trang web bị “treo” khiến phụ huynh lúng túng, lo lắng. Cán bộ Bộ phận một cửa UBND phường Tây Mỗ Hồ Thị Phượng chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 gặp nhiều khó khăn, bởi những người đến làm thủ tục khai sinh, khai tử cho người thân chủ yếu là người lớn tuổi, kiến thức tin học còn hạn chế. Cán bộ phải trực tiếp hướng dẫn, nhiều khi phải thao tác hộ”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, việc sử dụng hộp thư điện tử chính thức của cán bộ, công chức, viên chức còn ít, hệ thống thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản, điều hành chưa thật sự được khai thác hết tính năng, chức năng. Số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên các trang hoặc cổng Thông tin điện tử ngày càng tăng, nhưng chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2, dịch vụ mức độ 3 và 4 còn ít. Các phần mềm quản lý chuyên ngành còn thiếu, nhất là các phần mềm dùng chung, thành phố chuyển giao tại một số đơn vị, chưa được sử dụng hiệu quả. Vấn đề bảo mật thông tin, lưu trữ thông tin ngày càng bức thiết, đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ ý thức sử dụng và trình độ không chỉ của cán bộ kỹ thuật, mới bảo đảm hệ thống thông tin vận hành an toàn.

Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trên quan điểm thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin dùng chung, đồng bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin để chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai ứng dụng. Chương trình công tác số 08 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020" đã đặt ra chỉ tiêu rất cao như đến cuối năm 2017 cung cấp từ 40% đến 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và đến năm 2020 cung cấp 70% đến 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại tất cả sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã. Thành phố đang dành nguồn vốn lớn, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác đầu tư hạ tầng máy tính, mạng, lưu trữ dữ liệu... đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ cơ sở; tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng đến một chính quyền điện tử thành công.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 8/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất