Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Thường vụ Quận ủy Quận 1, TP. Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính
Chiều 25/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trương Hoà Bình và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Báo cáo công tác của Quận ủy Quận 1 về công tác cải cách hành chính cho biết, Quận 1 đã tiến hành đẩy mạnh cải cách, chú trọng cải tiến quy trình, ứng dụng tiêu chuẩn ISO vào dịch vụ hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hằng ngày.
UBND Quận 1 đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông từng nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực bảo hiểm, hộ tịch, y tế, quản lý dân cư trên địa bàn. Quận cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp thực hiện như khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp bằng thiết bị điện tử, thực hiện thư xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn, đăng ký xếp hàng tự động và báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ bằng tin nhắn, xây dựng hình ảnh thân thiện của cán bộ, công chức trong quá trình tiếp xúc với nhân dân…
Quận 1 luôn xác định và chọn những giải pháp đột phá trong thực hiện cải cách hành chính, trước hết bằng việc sửa đổi lề lối làm việc theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi ứng xử, giao tiếp, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, giảm thiểu tối đa phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Quận 1 trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cải cách hành chính. Quận đã quy định phân cấp quản lý cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển cán bộ để phòng chống tham nhũng, ban hành xây dựng môi trường làm việc thân thiện, quy tắc ứng xử để cán bộ có thái độ hoà nhã, chống quan liêu khi tiếp xúc với nhân dân, cải tiến lề lối làm việc, xem xét cán bộ cố tình chậm trễ trong việc xử lý công việc của dân, niêm yết công khai thủ tục hành chính, sơ đồ xây dựng đô thị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng…
Phó Thủ tướng cho rằng, Quận 1 cần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về kết quả công tác này để thực hiện có hiệu quả hơn, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, nhất là khởi nghiệp. Về phương hướng và nhiệm vụ công tác cải cách hành chính thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Quận 1 cần tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thành phố, nâng cao chất lượng chính quyền Quận 1 chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện. Qua đó, tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Quận 1 nên bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực thực hiện việc giải quyết và thực hiện công vụ với người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức và thực hiện Đề án vị trí việc làm của Quận 1, gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; xã hội hóa các đơn vị dịch vụ công như y tế, giáo dục; tăng cường theo dõi mức độ cải cách hành chính của các đơn vị và thăm dò sự hài lòng của người dân; đẩy mạnh sự tham gia của người dân về cải cách hành chính; xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng phân công soạn thảo 18 luật, pháp lệnh, nghị quyết
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ soạn thảo 5 luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết được bổ sung vào chương trình năm 2016 gồm: Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phân công các bộ soạn thảo 13 luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm: Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật an ninh mạng; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo; Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật đo đạc và bản đồ; Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ; khẩn trương thành lập Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án luật, pháp lệnh; tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh; đánh giá tác động dự án luật, pháp lệnh, dự kiến những nội dung cần được giao quy định chi tiết trong dự thảo luật, pháp lệnh và chuẩn bị nội dung văn bản quy định chi tiết, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành sau khi luật, pháp lệnh được thông qua, bảo đảm dự án trình được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước
Chia sẻ cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo để giảm bớt “gánh nặng” báo cáo, bảo đảm thông tin minh bạch, chính xác,… là các vấn đề được đề xuất tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 22-9.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), báo cáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước và là yêu cầu không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Hoạt động báo cáo phải gắn liền với trách nhiệm của mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, phù hợp với nội dung thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức đó, cũng như tuân theo những yêu cầu về trình tự thủ tục, quy chuẩn nhất định theo quy định của pháp luật. Yêu cầu đối với báo cáo là phải có có nội dung trung thực, chính xác, đầy đủ.
Thời gian qua, việc thực hiện chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như việc quy định về chế độ báo cáo tại nhiều văn bản nhìn chung chưa có tính hệ thống, thống nhất. Quy định thiếu rõ ràng, thể hiện sự tùy tiện trong việc đặt ra yêu cầu báo cáo. Số lượng báo cáo nhiều (khoảng 2 triệu báo cáo/năm) kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm tới 1/4 tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc phải thực hiện nhiều báo cáo gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bố trí cán bộ, thời gian, chi phí thực hiện…
Ông Ngô Hải Phan cho rằng việc cải cách chế độ báo cáo là cần thiết nhằm có thông tin chính xác để hoạch định chính sách, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời góp phần tinh giản biên chế. Đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu đều cho rằng báo cáo là công cụ của bộ máy hành chính để thực hiện nhiệm vụ của nền hành chính. Trong bối cảnh cải cách hành chính nói chung và trong điều kiện xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, thông tin báo cáo là thông tin quan trọng để phản ứng chính sách, đưa ra những quyết sách. Việc thực hiện quá nhiều báo cáo, kéo theo đó là sự thiếu chính xác của các con số - linh hồn của báo cáo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Tư pháp) Lê Hải Yến cho rằng báo cáo không phải là lĩnh vực quản lý nhà nước mà là công cụ quản lý điều hành. Các cơ quan chịu sự quản lý coi đó là trách nhiệm nhưng nhận thức của cán bộ quản lý và công chức chuyên môn từ trong tâm đã coi báo cáo là gánh nặng. Ý thức trách nhiệm trong tuân thủ báo cáo từ nhận thức là vấn đề.
Chuyên gia Vũ Đình Long, nguyên Cục trưởng Cục đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) nhìn nhận không đơn giản hóa, kiểm soát được báo cáo sẽ phải sử dụng những con số “rởm”. Vấn đề yếu nhất hiện nay là hệ thống thông tin báo cáo, mỗi nơi một kiểu, kỷ luật báo cáo thấp. Chỉ khi quy trách nhiệm cá nhân mới kiểm soát được và có con số kịp thời, chính xác. Chuyên gia này cho rằng muốn xử lý được các vấn đề trên, phải có “5M” là mẫu, mã, mới, minh (minh bạch, rõ ràng) và mạnh. Báo cáo phải “3 không” là không dài dòng, không được tản mạn và không quá hạn. Phải tính đến hệ thống thông báo tự động để nhắc nhở công tác báo cáo.
Theo chuyên gia Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, việc chỉ ra được nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện chế độ báo cáo sẽ là tiền đề để hiện đại hóa nền hành chính, giải quyết được lỗi hệ thống hiện nay.
Gắn kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính
Chiều 21/9, Đoàn kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Hà Nam đạt hiệu quả cao so với kinh phí đầu tư của tỉnh. Tỉnh Hà Nam cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đầu tư bài bản, đồng bộ và lâu dài hạ tầng công nghệ thông tin; tập trung xây dựng khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường hơn nữa việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu và quản lý cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, việc xử lý văn bản của các cơ quan phải được đồng bộ; đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, xây dựng quy trình và đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an toàn thông tin.
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn đã báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tại Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND huyện Thanh Liêm và làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại Sở Xây dựng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản đạt yêu cầu. Các văn bản đều được cơ quan xử lý trên mạng. Hai đơn vị còn lại là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND huyện Thanh Liêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, mới chỉ cập nhật văn bản đến đi trên mạng. Việc áp dụng công nghệ thông tin của các cán bộ cấp xã còn rất nhiều hạn chế.
Trên phạm vi toàn tỉnh, nhìn chung, mức độ đầu tư kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước còn rất thấp; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức so với yêu cầu. Đa phần các thiết bị đã cũ và lạc hậu; trình độ của cán bộ các cơ quan, đơn vị chưa đồng đều gây khó khăn cho việc triển khai. Các đơn vị chưa thực hiện hết chức năng của các phần mềm ứng dụng công nghệ; tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử chưa cao. Nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin ở một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhận thức của một bộ phận người dân về công nghệ thông tin còn hạn chế…
Hiện 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều có mạng cục bộ (LAN) và kết nối mạng WAN và Internet. UBND tỉnh Hà Nam đã triển khai đào tạo tin học cơ bản cho hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh. Ngoài ra, đối với các phần mềm chuyên ngành, các cán bộ, công chức có liên quan đều được tập huấn và có thể sử dụng thành thạo vào công việc chuyên môn. Tỷ lệ cán bộ, công chức có thể sử dụng máy tính trong công việc là 98%. Tại mỗi cơ quan có một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (quản trị mạng) với trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Tại mỗi sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin, Cổng thông tin điện tử do thủ trưởng cơ quan làm Trưởng ban. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh dưới dạng điện tử (đồng thời gửi văn bản giấy) là 90%. Tỷ lệ văn bản trao đổi của tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử là 60%.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh kiến nghị, cần ban hành quy định về văn thư lưu trữ để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hành chính công trực tuyến mức 3 và mức 4; ban hành các văn bản pháp lý để lập dự toán, thẩm định giá, phê duyệt dự toán, đấu thầu; công bố danh sách các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ và danh mục các dịch vụ đủ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp này cung cấp.
Bình Phước: Yêu cầu xin lỗi cá nhân, tổ chức nếu để thủ tục hành chính chậm trễ
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi giải quyết hồ sơ trễ hạn.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, yêu cầu trên nhằm tăng cường việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả đúng pháp luật, hiệu quả hơn về chất lượng; xác định trách nhiệm của công chức nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, giải quyết và kết quả hồ sơ thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai quy trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; công khai các quy định, thủ tục hành chính đầy đủ, rõ rằng, dễ tiếp nhận, dễ khai thác sử dụng theo quy định; công khai các chuẩn mực, đạo đức công vụ để thuận lợi trong công tác kiểm tra giám sát.
Những cơ quan, đơn vị để xảy ra trường hợp quá hạn giải quyết hồ sơ phải có văn bản gửi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và văn bản xin lỗi đối với cá nhân, tổ chức theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Khi các cơ quan, đơn vị thụ lý hồ sơ của cá nhân, tổ chức nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ, chưa thể giải quyết ngay vì lý do khách quan hoặc chủ quan cần trả lời ngay, thông báo cho tổ chức, công dân với thái độ, niềm nở, ân cần. Văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức khi giải quyết trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính gồm có đầy đủ tên cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ; tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản xin lỗi, số ngày trễ hẹn, lý do trễ hẹn, hứa khắc phục trễ hẹn…/.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 26/9/2016