Xác định công tác dân vận của các cơ quan nhà nước là bộ phận quan trọng, chủ yếu nhất trong công tác dân vận của của hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay, thực hiện Kết luận 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp" và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác dân vận, Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành, thị, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đảng bộ trực thuộc nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động phù hợp. Các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước theo hướng gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân. Việc phân công cán bộ, lãnh đạo phụ trách công tác dân vận được thực hiện nghiêm túc.
Hàng năm, nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ trong hệ thống chính trị được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, làm chuyển biến về tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với nhân dân. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang được duy trì, tập trung vào những nội dung cụ thể, thiết thực, kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ của ngành với nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới trong thực hiện công tác dân vận, đã bám sát chương trình công tác và chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đề ra.
Thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy thành kế hoạch, chương trình hành động gắn với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước bằng nhiều hình thức: Tổ chức các cuộc thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", "Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo"... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ về thực hành dân chủ ở cơ sở.
Việc thực hiện dân chủ lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, các dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, mức thu các loại phí, lệ phí, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư sản xuất, tiêu chí bình xét hộ nghèo; việc quản lý sử dụng các loại quỹ, các khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án, các khoản huy động trong nhân dân... được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 huyện, 29/247 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Việc thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình mới; xây dựng và thực hiện lối sống văn minh công sở; đưa nội dung triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" vào trong cơ quan, đơn vị.
Nhiều mô hình thực hiện hiệu quả như "Giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện, tự giác thi hành án"; "Giao tiếp ứng xử văn hóa với bệnh nhân trong khám và chữa bệnh"; "Vận động nhân dân nộp thuế đảm bảo thu ngân sách nhà nước"; "Tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ"; "Cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc trong cán bộ, công chức"; "Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo"... Thông qua phong trào giúp cán bộ, công chức bám sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết công việc đảm bảo tiến độ, đúng quy định của pháp luật.
Để tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; đổi mới và đa dạng hóa hình thức công tác dân vận phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở địa phương, đơn vị theo phân cấp quản lý; tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị; đưa việc thực hiện công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị vào nội dung thi đua, xếp loại hàng năm...
Nguồn: baophutho.vn, ngày 13/12/2016