Thứ Bảy, 11/1/2025
Hiệu quả, dấu ấn những công trình “ý Đảng-lòng dân”
 
Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn và  chính quyền địa phương tổ chức khánh thành nhà văn hóa
tặng nhân dân thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm. Ảnh: Mạnh Quỳnh 


Giúp những gì địa phương, người dân cần

Cách đây gần 70 năm, trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” và “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ…”.

Thấm nhuần lời huấn thị đó của Bác Hồ, mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Ngô Văn Bích, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị chia sẻ: “Việc  các đơn vị quân đội phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, phát huy các nguồn lực tiến hành CTDV là một trong những nội dung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Ban Dân vận Trung ương và các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội (CT-XH), các tổ chức nhân đạo từ thiện. Tiến hành CTDV không chỉ đơn thuần là “vác loa” đi tuyên truyền, vận động chung chung; không chỉ giúp cái đơn vị có, mà quan trọng là giúp cái địa phương, người dân cần, thiết thực giúp cải thiện đời sống, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho bà con…”.

Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”; bằng các hình thức công tác dân vận: Kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại làm CTDV, tổ đội công tác…, các đơn vị LLVT Quân khu 1 đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, huy động hàng vạn ngày công của cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dự bị động viên giúp các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; tổ chức làm mới, tu sửa các hạng mục cơ sở hạ tầng; giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Quân khu 1 và cán bộ, nhân dân nhiều địa phương vẫn nhắc đến những công trình do cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 1 hỗ trợ hàng nghìn ngày công và kinh phí xây dựng, để lại dấu ấn sâu sắc, mang lại hiệu quả rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như: Tuyến đường bê tông mang tên “Đường Việt Bắc” ở xã Kim Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) dài 1,2km, do Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 575 phối hợp thi công. Ngoài số tiền 1 tỷ đồng do BTL quân khu hỗ trợ, các đơn vị còn ủng hộ hơn 3.700 ngày công, 10 ca máy và gần 200 triệu đồng. Công trình hạ đèo Lũng Luông (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), với tuyến đường bê tông dài gần 1km; hạ độ cao khoảng 12m; khối lượng đất đá đào, lấp gần 15.000m3, giúp bà con các thôn nơi đây không còn phải chịu cảnh sống gần như  “ốc đảo” do đèo cao, hiểm trở đi lại quá khó khăn, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Trong 3 năm gần đây, BTL Quân khu 1 đã trích hơn 1,5 tỷ đồng, cùng kinh phí địa phương, giúp nâng cấp, xây mới nhiều nhà văn hóa thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự... Bà con rất phấn khởi vì có nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng khang trang, sáng đẹp, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Mỗi đơn vị một công trình, mô hình giúp dân hiệu quả

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BTL Quân khu 5, cùng với chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giúp dân xóa đói giảm nghèo, LLVT quân khu tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giúp dân phòng chống thiên tai… với mục tiêu “an dân, nắm dân, giành và giữ dân”, nhất là tại địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Đại tá Vương Sỹ Hà, Phó trưởng Phòng Dân vận (Cục Chính trị Quân khu) cho biết: Theo chỉ đạo của quân khu, tại các địa phương đã được giao tham gia xây dựng địa bàn, mỗi đơn vị cấp trung, lữ đoàn và tương đương thuộc quân khu phải xây dựng được ít nhất một công trình tạo dấu ấn, hiệu quả rõ nét ở địa phương.

Thượng tá Bùi Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) kể với chúng tôi những ngày công ty “chân ướt chân ráo” về thực hiện các công trình Dự án kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Buôn Jun, Buôn Mùi… (huyện Cư M'gar, Đắc Lắc). Ngày ấy, địa bàn các xã Ea Sin, Cư Dliê M’nông, Ea Riêng đặc biệt khó khăn; cơ sở vật chất hạ tầng hầu như chưa có gì, đất đai bạc màu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu... Nhờ kiên trì vận động, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức làm thí điểm mô hình mẫu về sản xuất nông-lâm nghiệp, trồng cây cao su, cà phê, hồ tiêu, cây điều…; hướng dẫn phương pháp khoanh nuôi bảo vệ rừng và sản xuất phân vi sinh; từng bước chuyển giao công nghệ giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế… Trong thực hiện Dự án khu KT-QP, công ty chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ đời sống dân sinh như: Hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho gần 850ha cà phê; đầu tư hơn 450 triệu đồng mua 6.000 cây điều giống tặng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Sin; chi 260 triệu đồng xây dựng nhà rông văn hóa; cùng bà con trồng mới và chăm sóc gần 100ha rừng đầu nguồn, quản lý bảo vệ 5.740ha rừng tự nhiên; nhân giống và trồng thành công 25ha mít cao sản-loại cây xóa đói, giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con…

Để nâng cao hiệu quả CTDV, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thiết thực, hiệu quả, “ghi dấu ấn” tại địa phương, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Các địa phương, đơn vị cần phối hợp huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH; đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, để sớm phát huy hiệu quả; ưu tiên phát triển hạ tầng các xã khu vực III, xã biên giới; các thôn đặc biệt khó khăn; cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh.

Quá trình các đơn vị cải tạo, xây dựng các công trình giúp địa phương, kết hợp tuyên truyền vận động, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa-thể thao; nhân dân cùng tham gia lao động, giúp bộ đội về nơi ăn ở, tặng thực phẩm, rau xanh… để anh em cải thiện bữa ăn, cũng chính là đã tạo “thành công kép” của CTDV. Đặc biệt nhiều công trình, mô hình hiệu quả mà bộ đội để lại, thực sự tạo những “điểm nhấn” đổi thay ở địa phương, tạo đồng thuận “ý Đảng-lòng dân”, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 24/4/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất