Thứ Bảy, 11/1/2025
Hậu Giang cải thiện chỉ số cải cách hành chính
 
 Người dân thành phố Vị Thanh tham khảo, tìm hiểu văn bản hành chính niêm yết tại trụ sở chính quyền.


Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, năm 2015, Hậu Giang tăng 19 bậc so với năm 2014, từ 47 lên 28. Thế nhưng đến năm 2016, chỉ số này sụt giảm mạnh, đứng thứ 63 trong số 63 tỉnh, thành phố, với 60,98/97 điểm. Để cải thiện chỉ số CCHC, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác CCHC.

Nỗ lực nhiều, nhưng vẫn tụt hạng

Báo cáo kết quả năm 2016 của Hậu Giang cho thấy, công tác CCHC đạt kết quả tương đối toàn diện theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và kế hoạch của tỉnh; các thể chế được cải cách và hoàn thiện một bước. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, nền hành chính từng bước hiện đại hóa. Phần mềm quản lý văn bản dùng chung ba cấp được ứng dụng tại 25 đơn vị, sở, ngành tỉnh và toàn bộ tám huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống họp trực tuyến của tỉnh được nâng cấp, cải tiến. Ðã có hơn 100 thủ tục ở bốn đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ. Năm 2016, Hậu Giang chi gần 28 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), đặc biệt là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng hành chính.

Ðến nay, Hậu Giang có 103 đơn vị gồm 19 sở, ban, ngành, 8 đơn vị cấp huyện và 76 đơn vị cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, đạt 100%; 72 đơn vị, trong đó có hai đơn vị cấp sở, 6/8 đơn vị cấp huyện và 64/76 đơn vị cấp xã thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Tỉnh đã lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát ở tất cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hơn 80% số đơn vị các cấp công bố thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) bước đầu đã được rút gọn, đơn giản hóa và công khai theo quy định. TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được công bố, công khai tại bộ phận một cửa các cấp, trên cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ðồng Văn Thanh, công tác CCHC còn nhiều khó khăn, hạn chế, khiến chỉ số CCHC của tỉnh sụt giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Qua kiểm tra cho thấy, việc công bố chuẩn hóa TTHC ở một số ngành chưa kịp thời, bộ TTHC dùng chung ba cấp đã được công bố, nhưng việc cập nhật, rà soát, bổ sung còn chậm, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, hiệu quả chưa cao; kinh phí đầu tư cho công tác CCHC còn hạn chế. Trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành còn biểu hiện chủ quan với kết quả đạt được trong các năm trước, nên việc đầu tư, tính toán, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chưa sát với tình hình thực tế. Cán bộ làm công tác này vẫn chưa thật sự tốt do năng lực, thái độ phục vụ…

Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Nguyễn Chí Hùng đánh giá: Hiện tượng cửa quyền, hạch sách, chậm trễ theo lối "dân cần, quan không vội" của CB, CC, VC tuy đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bộ phận tiếp nhận, trả kết quả ở cấp tỉnh và huyện khá khang trang, nhưng ở cấp xã hiện chưa được đầu tư đúng mức. Bởi hầu hết trụ sở xã được xây dựng trước khi thực hiện bộ phận một cửa, cho nên chỉ bố trí tạm; còn máy tính, do sử dụng lâu năm bị xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, ảnh hưởng chất lượng hoạt động của bộ phận này.

Bộ phận một cửa xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp làm việc trong căn phòng khá chật, chỉ khoảng 20 m2 (theo quy định, bộ phận này phải có diện tích 40 m2), phải bố trí bàn làm việc cho bảy chức danh và chưa tới mười cái ghế phục vụ bà con ngồi chờ, trông rất bề bộn. Do có khá đông bà con đến làm thủ tục, cho nên nhiều người phải ra hành lang bên ngoài đợi. Chủ tịch UBND xã Phạm Măng Non phân trần: "Ðiều kiện làm việc quá khó khăn, máy tính được cấp bốn cái cách nay gần bảy năm rồi, hiện có hai cái bị hư".

Năm 2016, Hậu Giang có hơn một nghìn hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn. Ðây cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trong cuộc họp tổng kết công tác CCHC năm 2016 hồi giữa tháng 7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh, nhấn mạnh: CCHC là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, thu hút nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn tình trạng người dân phàn nàn về thái độ ứng xử của cán bộ. Ðáng buồn là trong thu hút đầu tư, vẫn còn tình trạng lãnh đạo tỉnh "trải thảm", còn cấp dưới thì "rải đinh"…

Giải pháp cải thiện chỉ số CCHC

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng, trên cơ sở xác định những khó khăn, hạn chế, nhất là điểm số các tiêu chí bị trừ trong công tác CCHC năm qua, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài, nhằm cải thiện chỉ số CCHC, với quyết tâm hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ CB, CC, VC có phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, những giải pháp mang tính đột phá, đó là: Tỉnh ủy, UBND tỉnh lồng ghép để giảm các cuộc họp, hội nghị, dành nhiều thời gian trực tiếp đi khảo sát ở cơ sở, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập "đường dây nóng" để ghi nhận và phản hồi các ý kiến đóng góp mang tính cấp bách, bức xúc cần giải quyết ngay của công dân và tổ chức. Ðặc biệt là những trường hợp cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu của CB, CC, VC, nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng quan liêu, tham nhũng; xây dựng tổ chức Ðảng trong sạch, bộ máy hành chính chuyên nghiệp, chính quyền kiến tạo, phục vụ ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân.

Xây dựng đề án chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hành chính. Trước mắt, xúc tiến xây dựng Trung tâm hành chính công tỉnh, dự kiến sẽ hoạt động thử nghiệm vào tháng 12-2017, hoạt động chính thức vào tháng 4-2018 và đến tháng 12-2018, số TTHC đưa vào thực hiện tại trung tâm sẽ đạt 100%. Trung tâm này sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; giải quyết các thủ tục hành chính của các ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, của các sở, ban, ngành và cơ quan Trung ương thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên một số thủ tục liên quan xây dựng, đầu tư, đất đai, tư pháp, hộ tịch, giao thông. Sau khi đưa vào hoạt động, Trung tâm hành chính công tỉnh Hậu Giang sẽ giảm từ 20 đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các sở, ngành xuống chỉ còn 1 đầu mối…

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 11/8/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất