Thứ Tư, 27/11/2024
Lớp học đặc biệt trên vùng biên Ia Lốp
 
Các thầy giáo quân hàm xanh tận tình chỉ bảo cho học viên là những người dân xã Ia Lốp. 


Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo-người trực tiếp khảo sát, kiến nghị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và ngành giáo dục địa phương mở lớp xóa mù chữ, tâm sự: "Ngay sau khi nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ea H’leo, tôi tiến hành khảo sát địa bàn, thấy thực trạng còn khá đông bà con nơi đây không biết đọc, biết viết. Tôi đã trao đổi, thống nhất với cấp ủy, ban chỉ huy đồn kiến nghị cấp trên cho mở lớp xóa mù chữ. Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức 2 lớp xóa mù chữ cho các học viên xã biên giới Ia R’vê trong năm 2015 nên việc mở lớp xóa mù chữ lần này cho bà con xã Ia Lốp không mấy khó khăn".

Tuy nhiên theo anh Hiếu, cái khó nhất của việc tổ chức lớp học là việc đả thông tư tưởng cho học viên, vì hầu hết họ đã lên chức bố, mẹ, ông, bà. Trong tổng số 32 học viên, người trẻ nhất 20 tuổi, người lớn tuổi nhất đã ngoài 60. Mới đầu, khi nói đến chuyện đi học xóa mù chữ, bà con đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí xấu hổ. Cán bộ các đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ea H’leo cùng thầy, cô giáo Trường Tiểu học Cầm Bá Thước phải kiên trì vận động, thuyết phục, trong đó tập trung giảng giải lợi ích khi bà con biết đọc, biết viết sẽ tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết tính toán chuyện làm ăn, biết cách giáo dục con cháu tốt hơn...

Cuối tháng 10-2017, lớp học khai giảng đúng kế hoạch; mỗi tuần học 5 buổi tối, từ thứ hai đến thứ sáu, từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút. Giáo viên đứng lớp ngoài những cán bộ của Đồn Biên phòng Ea H’leo như: Đại úy Phạm Văn Hiếu, Trung úy Trần Thế Mạnh (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng), Thiếu tá QNCN Vũ Văn Tín (Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea H’leo) còn có sự tham gia tích cực của 11 thầy, cô giáo Trường Tiểu học Cầm Bá Thước. Toàn bộ chi phí ban đầu trong việc tổ chức lớp học như: Mua sách giáo khoa, tài liệu, dụng cụ, các vật chất khác đều do Đồn Biên phòng Ea H’leo trích từ quỹ vốn tăng gia sản xuất.

Học viên Lang Văn Vĩnh, 50 tuổi, ở thôn Đừng, xã Ia Lốp, tâm sự: “Mới đầu nghe bộ đội Hiếu vận động đi học xóa mù chữ, mình cũng ngại vì tuổi lớn rồi, học không dễ. Ban ngày mình lại đi làm vất vả, tối đến chỉ muốn nghỉ ngơi nên không muốn đi. Nhưng rồi nghĩ đến chuyện lâu nay chỉ vì không biết chữ, không biết làm tính mà mình phải chịu nhiều thua thiệt; nhất là khi thấy nhiều người trong thôn đi học, mình cũng quyết tâm ra lớp của Đại úy Hiếu”.

Cô giáo Hà Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cầm Bá Thước, người trực tiếp đứng lớp, cho rằng: Từ sự nhiệt huyết của các thầy giáo mang quân hàm xanh, đội ngũ giáo viên nhà trường cũng tự nguyện tham gia đứng lớp. Mặc dù chưa được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào, nhưng chứng kiến sự miệt mài hăng say học tập của học viên, nhất là các cô, các bác lớn tuổi, các thầy, cô giáo đều cảm thấy vui.

Theo kế hoạch, lớp học xóa mù chữ này sẽ bế giảng vào tháng 6-2018; qua đó thêm một minh chứng về tình quân-dân, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân nơi phên giậu Tây Nam của Tổ quốc.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 06/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất