Các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về vấn đề khiếu nại, tố cáo và an ninh nông thôn đều chỉ ra rằng, hầu hết các vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở. Việc trong dân xảy ra hàng ngày, việc nhỏ có, việc lớn có. Từ việc bình thường đến việc bức xúc phức tạp, có những việc tạo thành điểm nóng. Vấn đề đặt ra là cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát, gần dân, sớm nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết các vấn đề của dân ngay khi vụ việc mới manh nha hay không?
Đối thoại đã chính thức được quy định trong văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quy định ban hành kèm theo Quyết định 218 ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 đã quy định tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với nhân dân mỗi năm một lần là một phương thức, góp ý xây dựng Đảng là một phương thức làm công tác dân vận.
Đối thoại cũng đã được quy định là một thủ tục trong quá trình giải quyết khiếu nại tại Điều 30, Điều 39 Luật Khiếu nại. Đối thoại theo các quy định này là hình thức người có thẩm quyền ngồi với dân để giải quyết công việc của dân, giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, nghe dân nói, nói cho dân nghe, hòa giải, phòng ngừa từ xa các mắc míu, mâu thuẫn và điểm nóng trong nhân dân. Nghe sáng kiến của dân, giúp dân gần và tin dân, dân tin Đảng, chính quyền hơn. Củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận chung để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đối thoại ở một giác độ khác còn là cơ hội thử thách năng lực, bản lĩnh và phẩm chất cán bộ. Cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không cao và nắm không chắc công việc sẽ rất sợ đối thoại với dân. Cán bộ nhất là ở cơ sở không giữ gìn rèn luyện cũng khó ngồi đối thoại với dân vì buổi đối thoại có thể là diễn đàn để dân phê bình, tố cáo cán bộ, thậm chí cả với chính người đang chủ trì buổi đối thoại. Đối thoại không mất nhiều tiền, không mất nhiều thời gian, công sức nhưng lợi ích tác dụng mang lại rất nhiều, nhất là trong vấn đề yên dân. Dân yên, dân tin và dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công. Biết là vậy nhưng nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cán bộ của ta, nhất là ở cơ sở vẫn xa dân, không chịu lắng nghe dân, không đối thoại với dân làm dân thất vọng, bức xúc, nhiều vụ việc nhỏ trở thành to, trở thành phức tạp, trở thành điểm nóng.
Vì vậy, tôi kiến nghị, Chính phủ bổ sung nguyên nhân thiếu sâu sát, xa dân, không lắng nghe và đối thoại với dân là một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vào báo cáo trình QH.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng nhất là người đứng đầu cấp ủy, huyện và xã phải thực hiện nghiêm quy định ban hành kèm theo Quyết định 218 về việc đối thoại với nhân dân.
Thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính, xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện quy định tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nội dung công tác cần phải kiểm điểm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và kiểm điểm đảng viên vào cuối năm.
Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tiễn cho thấy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong hòa giải cơ sở tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nhất, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chung tay cùng Đảng, Chính phủ, Quốc hội giải quyết khiếu nại, tố cáo để làm tốt việc yên dân.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)